Chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”:

Câu chuyện không thể nào quên về những con người đã sống và hy sinh vì hòa bình

Thứ năm, 21/07/2022 09:46 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2022), tối 27/7/2022, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” với 6 điểm cầu trải dài từ Bắc vào Nam.

Việt Nam - khát vọng hòa bình

Theo Ban Tổ chức Chương trình, thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình sẽ xuyên suốt chương trình “Khúc tráng ca hòa bình”. Đó là, ngay từ buổi đầu dựng nước, với truyền thuyết Thánh Gióng, nỏ thần Kim Quy đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khẳng định quyền tự chủ với bài thơ “Thần - Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt rồi đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, tất cả đều tuyên bố khát vọng hòa bình và quyết tâm bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chủ tịch đã mở đầu bằng câu “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”.

cau chuyen khong the nao quen ve nhung con nguoi da song va hy sinh vi hoa binh hinh 1

Maket sân khấu điểm cầu Bình Định tại Đền thờ liệt sỹ Thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: BTC

Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng xuyên suốt thế kỷ XX, đất nước lại có 2/3 thời gian gắn với những cuộc chiến - cuộc chiến của những người con đất Việt đã sống, hy sinh để bảo vệ hòa bình. Để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình, tháng 7 hằng năm, những thế hệ đã đi qua các cuộc chiến hay những người được hạnh phúc sống trong thời không dội tiếng đạn bom đều lắng lòng kể cho nhau nghe về những dấu chân đã làm nên hòa bình hôm nay.

Từ ý tưởng đó, Ban Tổ chức đã kết cấu nội dung chương trình gồm 3 chương. Chương 1 mang tựa đề “Những dấu chân hòa bình”. Ở đây sẽ làm nổi bật lên thông điệp: Dân tộc ta từ bao đời nay cứ mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp các thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân các thế hệ từ thuở dựng nước đến nay đã cất bước và để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã sống và hy sinh vì hòa bình.

Nội dung chủ đạo của Chương 2: “Bài ca không quên”, là câu chuyện kể về những con người đã đi qua mất mát của chiến tranh, đường về của những “dấu chân hòa bình” mỗi người mỗi khác. Có người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có người mải miết đi tìm đồng đội cũ… Chúng ta không quên ai, chúng ta hôm nay có mặt ở đây để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống mang trong mình “bài ca không quên” về những người con đã ngã xuống vì hòa bình…

Chương 3 được đặt tên “Khát vọng hòa bình”. Người Việt Nam hiểu hơn hết về cái giá của hòa bình sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh. Bởi thế, các thế hệ giờ đây cùng chung tay bảo vệ hòa bình, khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển phồn vinh, mở ra những cơ hội lớn, sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mơ ước.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, ngoài câu chuyện về 33 liệt sỹ chưa xác định được thông tin đã tìm được danh tính và được công bố trong chương trình, về đội quy tập hài cốt liệt sỹ tại Campuchia với câu chuyện tìm được hơn 40 hài cốt liệt sỹ trong 6 tháng đầu năm 2022 thì chương trình cũng sẽ cập nhật những thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước, cùng tinh thần sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì sự phồn vinh của Tổ quốc.

Cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” là chương trình có ý nghĩa đặc biệt trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Với nội dung xoay quanh những dấu chân đã làm nên hòa bình hôm nay, “Khúc tráng ca hòa bình” sẽ không chỉ là những hồi ức về chiến tranh, mà còn giúp khán giả hiểu hơn về cái giá của hòa bình, sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh, một thành viên của ê kíp thực hiện chương trình chia sẻ.

Một chương trình quy mô hoành tráng

Theo thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam, cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” là chương trình trọng điểm của VTV trong năm 2022. Chương trình sẽ được tổ chức tại 6 điểm cầu gồm: Tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Đền Bến Dược (TP. Hồ Chí Minh), Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam), Đền thờ liệt sỹ Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) và Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh An Giang.

cau chuyen khong the nao quen ve nhung con nguoi da song va hy sinh vi hoa binh hinh 2

Phóng viên VTV ghi hình tiền kỳ chương trình, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đài PT-TH Hà Giang. Ảnh: BTC

Với số lượng điểm cầu lớn trải dài từ điểm cực Bắc của Tổ quốc đến các khu vực phía Nam, ngay từ cuối tháng 5, Ban Thanh thiếu niên, Ban Thời sự, VTV8, VTV9, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình, Trung tâm truyền dẫn phát sóng, Trung tâm Mỹ thuật... của Đài Truyền hình Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị nội dung chương trình, từ xây dựng kịch bản đến tổ chức sản xuất, công tác kỹ thuật đến thiết kế sân khấu.

Biên đạo múa Phùng Khải, người đảm nhận vai trò tổng biên đạo múa của Chương trình cho biết, đây là một chương trình có quy mô lớn, ê-kíp làm chương trình và số nghệ sĩ, diễn viên tham dự lên tới hàng trăm người. Đặc biệt tại một số điểm cầu tổ chức ở nghĩa trang liệt sĩ, phải huy động tới 400-500 người tham gia.

“Ở điểm cầu Hà Nội, dàn hợp xướng có 40 người, dàn nhạc giao hưởng 60 người, 50 diễn viên múa. Hay như tại điểm cầu Bình Đình, phần hoạt cảnh cũng sử dụng 60 đến 80 diễn viên múa. Như thế, khán giả có thể hình dung về quy mô hoành tráng của chương trình”, biên đạo múa Phùng Khải tiết lộ.

Theo kịch bản của Ban Tổ chức, chương trình dự kiến có kết cấu gồm 45 mục. Ngoài các tiết mục ca múa nhạc với những bài hát truyền thống cách mạng… điểm nhấn của chương trình là mỗi điểm cầu sẽ kể về một câu chuyện riêng, có giá trị lịch sử.

Ví dụ, tại An Giang sẽ là câu chuyện về lá cờ đỏ sao vàng được họa sĩ Nguyễn Hữu Tiến vẽ và được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại điểm cầu Bình Định sẽ là hình ảnh những bước chân, những lá cờ hội tái hiện cuộc tấn công thần tốc của vua Quang Trung; tại Quảng Nam là câu chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Đặc biệt, điểm cầu Hà Nội sẽ hội tụ tất cả những giá trị hòa bình, đồng thời cũng là câu chuyện của những người con Hà Nội xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Đó là hình ảnh xúc động về những sinh viên trực tiếp tòng quân khi chuyến xe chở bộ đội vào Nam dừng lại bên đường. Họ lên đường ra mặt trận với tinh thần tự nguyện cao độ, lời chia tay chỉ được viết vội trong vài phút, khi xe chuyển bánh, những bức thư chia tay, những lời nhắn gửi được để lại bằng những mảnh giấy ném xuống sân ga…

Hiện nay các công việc chuẩn bị cho Chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” đang được gấp rút hoàn thiện theo đúng kế hoạch. Các địa phương có tổ chức điểm cầu đều lên kịch bản các nội dung liên quan đến công tác tổ chức, đảm bảo an ninh, trật tự, tạo điều kiện tốt nhất để Ban Tổ chức thực hiện chương trình thành công. Chắc chắn rằng, “Khúc tráng ca hòa bình” lên sóng sẽ để lại trong lòng khán giả những phút giây lắng đọng đầy cảm xúc và rất đỗi tự hào về một phần không thể nào quên của lịch sử.

Thế Vũ

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa