cham tay vao tet hinh 1

Thời công nghệ, người ta nhớ Tết bắt đầu từ đâu? Có lẽ sẽ bắt đầu từ khi các gian hàng online bán hoa thược dược, rồi tuyết mai, rồi đào cành phục vụ chị em cắm hoa chụp ảnh khoe facebook, rồi quay tiktok. Thời này, chắc chả có phụ nữ đoảng, chỉ có phụ nữ không biết gọi ship và chụp ảnh sao cho khéo mà thôi. Rồi cũng từ facebook, sẽ là câu chuyện Tết nay nhớ Tết xưa, sẽ là câu chuyện Tết thành phố sao mà buồn, Tết quê mới đủ nghĩa sum vầy. Nhiều câu chuyện lắm, rộn ràng rộn ràng, cũng khiến người ta nhớ Tết…

Nhưng Tết có lẽ chỉ thật sự chạm nhẹ tay mình khi một chiều muộn nào đó, vội vàng trở về nhà sau một cuộc họp dài, bắt gặp một sẽ hương trầm lan trong gió lạnh, lại thêm lắc rắc mưa bay. Ấy là lúc, mình thấy Tết không còn ở đâu đó, mà đã ở thật gần.

Tháng Chạp, nghe đâu đây mùa Xuân đã len dần vào từng hơi thở, trên từng gương mặt người ở xứ tha phương. Về đây ngồi nghe khúc thanh tao giữa một ngày cuối năm chợt thương mình vương mắt cay khi chạm vào nỗi nhớ. Hẳn nhiên, cuộc đời đang chảy trong một vòng xoay giữa quá khứ và hiện tại, sống chậm để nâng niu từng hơi thở mỗi phút giây cũng là cách cảm ơn đấng sinh thành đã cho ta hình hài và có mặt trên cuộc đời.

cham tay vao tet hinh 2

Thắc thỏm trái tim, ngược về chiều Xuân quê trong mưa phùn răng rắc, trong khói lam chiều nhà ai đang hun lên len lỏi giữa những nếp nhà. Tôi bước qua tuổi 20, 30 với những mùa Xuân trong chiều diệu vợi. Sẽ không từ tốn khi nói rằng trái tim con người, dù có sắt đá đến mấy, cũng khó có thể thôi cay cay đầu sống mũi khi nghĩ về nếp nhà. Bắt đầu là mùi oi khét của khói đốt vàng mã ngày tiễn ông Công ông Táo lên trời. Sau 23 tháng Chạp, không khí tết ngày càng đậm đặc, đào quất mua về bày trước hiên, măng khô được mang ra ngâm, từng bức tường thơm vôi trắng mới quét. Cái ngày xưa ấy, mẹ đốt rơm nếp thay chân nhang bát hương, mùi nhang trầm tỏa ngát không đủ xua những quẫn bách lo âu của người lớn, còn bọn trẻ vui đến cuống quýt đón năm mới với những tà áo đẹp. Tất cả như vẫn quẩn quanh đâu đây chí ít là trong ký ức.

Chiều Tất niên, một nồi nước với củ sả, lá bưởi, cây mùi già được long trọng bắc lên bếp lửa giữa nhà chuẩn bị cho cả gia đình tắm gội, như một nghi thức thanh tẩy tinh thần, làm cho mỗi người được thơm tho tinh khiết, sáng láng và thiện lương hơn.

cham tay vao tet hinh 3

Chạm tay vào Tết, là chạm vào cả một ký ức mùi hương. Là hương Tết.

Hương vị của Tết đâu đó trong không gian, là mùi ngọt tỏa ra từ đất, từ những ngọn cỏ tươi mát, long lanh những hạt sương đêm, tràn vào nhà khi vừa mở cửa trong buổi sáng sớm đầu tiên của năm mới. Hai mùa xuân rồi, chúng ta lo lắng hoang mang trước đại dịch COVID-19. Nhưng kể cả thế cũng không ngăn được mùa xuân ùa về.

Còn biết bao nhiêu nỗi nhớ quẩn trong hương Tết. Có những cú chạm nhẹ nhàng nhưng làm cho tâm hồn người ta chợt bần thần nhớ, bần thần thương. Đó là cú chạm phải làn khói bếp thơm nức mùi Tết trong căn bếp thuở ấu thơ ngồi chờ bánh chín. Từ những sợi tơ khói bếp ấy lại có mùi đường tán thắng ngòn ngọt pha chút mùi gừng rim. Nhưng gây nhớ da diết hơn cả là cái mùi nổ, mùi nếp rang, cái mùi chỉ có vào những ngày cuối của tháng Chạp. Trong bộn bề ký ức tuổi thơ tôi, mùi khói pháo đêm giao thừa cũng là một nét chấm phá đặc biệt trong vạn mùi Tết cũ. Tiếng pháo giao thừa đánh dấu khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới, cứ thế đồng loạt vang lên rộn rã khắp làng trên xóm dưới. Mùi khói pháo quyện hơi xuân bay lên, phả vào không gian tết sự huyên náo đến vô cùng.

cham tay vao tet hinh 4

Tết, mở toang tất cả cánh cửa kỷ niệm, bỗng dưng nhìn thấy những dấu chân hằn trên bờ sông thời thơ ấu mà ta từng để lại. Bỗng dưng nhớ những lần theo bà nội đi lễ chùa, cũng tập tành chắp tay khấn vái, mà trong miệng thật ra chỉ lắp bắp những âm thanh. Rồi ai rưng rức khóc khi con tò he, chiếc trống lùng tung vừa mua đã hỏng. Ai hớn hở khoe mùi thơm của chiếc áo mẹ mới may. Ngay cả người vô tâm, cũng khó tránh được những phút bồi hồi. Và hơn bất cứ lúc nào, dù vẫn cập rập, vẫn gói ghém những việc năm cũ, người ta bắt đầu sống lại những ký ức thân thương…

cham tay vao tet hinh 5

Nhiều người bảo Tết càng ngày càng nhạt đi, chẳng khác ngày nghỉ bao nhiêu. Rất nhiều người đã dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch...

Tết xưa đậm đà trong ký ức với những mùi pháo nồng nàn, mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho, mùi nếp bánh chưng, hương lá mùi chiều 30, mùi hoa cúc, hương trầm thơm trên ban thờ. Nay, có những thứ thay đổi theo thời gian, những thao thức bên nồi bánh chưng cay cay khói mắt đã vợi bớt ít nhiều, tiếng pháo chẳng còn râm ran khắp xóm phố... 

Nhưng Tết nay có phai nhạt hơn Tết xưa? Xét đến cùng, dịp Tết là cơ hội cho nhiều người xả hơi, ít nhất trong một đến hai ngày. Nhiều người thành phố đổ về quê đoàn tụ với gia đình, sống chậm, thanh thản bên những ngôi nhà cổ, nhà vườn, dướp nếp rêu phong cổ kính của làng quê, cùng hòa vào nền nếp sinh hoạt lễ nghĩa họ mạc. Họ tham gia các chợ phiên nơi vùng quê. Cũng mặc cả, cũng ngã giá, nhưng chỉ để cho vui, nở nụ cười sảng khoái. Họ cần đón lấy cái ân cần, tử tế, chân chất, đong lấy cái tình cái nghĩa ở nơi làng quê. Thực chất là muốn đắm vào sự phóng khoáng mộc mạc của đời sống dân sinh, nhàn tản ngắm hoa, chăm hoa, đón tiếp họ hàng, nấu những món ăn giản dị.

cham tay vao tet hinh 6

Có người lại chọn cho mình cái Tết bằng chuyến đi phượt thật xa, để tìm cảm giác mới, hít thở khí trời ở nơi vùng biên viễn, rừng núi hoang sơ, chụp những tấm ảnh hoa cỏ trong tiết xuân ấm, chớp lấy hình những em bé mặt nhem nhuốc nơi cao nguyên đầy gió, thưởng thức những món ăn của các dân tộc ít người... Đó là nhu cầu có thật, ngày càng nhiều và thậm chí đã thành một trào lưu. Nhiều gia đình tụm hai, ba đã lên những kế hoạch từ trước đó cả tháng. Bởi với họ, đi theo nhóm gia đình tạo nên những hứng khởi cho tất cả các thành viên. Chừng nào trời đất còn chuyển mùa, cây cối còn đâm chồi nảy lộc, gió còn se lạnh và mai, đào còn nở chào xuân, thì chừng đó con người vẫn còn có thể chạm vào Tết theo cách họ muốn.

Chầm chậm Xuân về, chầm chậm những vạt nắng vàng soi rọi, chầm chậm làn gió đi qua, chầm chậm hoa vàng bừng nở cùng lộc non đâm chồi xanh biếc để mọi người cảm nhận nhưng cũng hối hả đánh thức mọi người rằng, từ xưa đến nay, ba ngày Tết đã về nên tất bật cho những ngày cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị ngày đầu năm mới và bỏ lại phía sau tất cả phiền muộn lo toan, vì xuân vẫn sang, rất diệu kỳ…

cham tay vao tet hinh 7

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.