Giáo viên trường chuyên rất vất vả nhưng chế độ đãi ngộ như giáo viên bình thường

Chủ nhật, 28/06/2020 06:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trước thắc mắc về sự bất công trong đầu tư trường chuyên, một cô giáo trường chuyên Ams cho rằng giáo viên trường chuyên như cô rất vất vả, trong khi chế độ đãi ngộ lại như giáo viên bình thường.

Bài liên quan

Từ ý tưởng bán Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã có một cuộc tranh luận lớn liên quan đến vai trò vị trí của trường chuyên, việc phát triển mô hình day học này thời gian tới đây như thế nào đã diễn ra sôi nổi trên báo chí và mạng xã hội.  

Hiện nhiều trí thức cấp tiến cho rằng, cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, thay đổi cách dạy và học của trường chuyên như hiện nay, hạn chế học đơn môn, tập trung giáo dục toàn diện cho các em. Thậm chí, còn đồng ý cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục này.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối, muốn củng cố lại mô hình trường chuyên.

Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng nhà nước nên giữ hệ thống trường chuyên như hiện nay (ảnh TL).

Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng nhà nước nên giữ hệ thống trường chuyên như hiện nay (ảnh TL).

Đơn cử, trao đổi với báo chí Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, bên cạnh khuyến khích các tập đoàn tư nhân mở trường chất lượng cao nhưng trường chuyên của nhà nước thì vẫn phải giữ.

Khẳng định vai trò của trường chuyên rất quan trọng, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, trước đây ta hay nói không cần trường chuyên, “xấu đều hơn tốt lỏi”, tuy nhiên điều này không đúng.

Trong giáo dục vừa cần một đội ngũ đại trà có chất lượng nhưng đặc biệt cần những người thật giỏi. Bởi chỉ 3-5% người giỏi nhất trong xã hội làm nên người dẫn dắt.

Mà trường chuyên là nơi tạo nguồn hình thành các chuyên gia nên nhà nước không thể coi nhẹ.

Việc xây dựng mô hình trường chuyên nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng, đó là bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Trong môi trường học chuyên, các em có điều kiện để phát huy hơn sở trường của mình.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận một giáo viên trường Ams cho rằng, bà đồng ý với việc cải cách đổi mới trường chuyên vì giáo dục luôn cần cải cách đúng chiến lược, phù hợp với tiến bộ của xã hội.

Tuy nhiên những vấn đề mọi người đang đặt ra như việc nhà nước đầu tư tài chính cho học sinh trường chuyên như Ams để rồi đa số đi du học vì mục đích cá nhân, cuối cùng chất xám lại chảy máu, bị nước ngoài “hớt tay trên” thì cô giáo này cho rằng, học sinh trường chuyên nhiều em đi du học về cơ bản đại đa số vẫn về nước làm việc.

Số người chọn ở lại không nhiều, nhưng chảy máu chất xám, không giữ được người tài không phải là lỗi của trường chuyên.

Sứ mệnh của trường chuyên chỉ để đào tạo học sinh có năng khiếu, học sinh có đam mê, có môi trường tốt để được phát huy.

Ở đó thầy cô và học sinh trao đổi cùng phát triển. Còn việc sử dụng những tài năng đó như thế nào là  việc của nhà nước.

Bàn về sự bất công trong đầu tư, thì cô giáo này chia sẻ, về cơ bản giáo viên chuyên hưởng lương như giáo viên thường, học sinh trường chuyên nộp học phí như học sinh thường. Nhà nước đầu tư không khác nhau nhiều.

Trong khi giáo viên trường chuyên vất vả hơn, dạy 1 chuyên đề 3 tiếng nhà nước trả  450 nghìn đồng sau khi trừ thuế. Trong khi đó, giáo viên phải soạn ít nhất 1 tuần, bới tung hết tài liệu nước ngoài, trong nước.

Tần suất làm việc để cống hiến cho Ams hay nhà nước của giáo viên trường Ams và nhiều trường chuyên khác lớn hơn nhiều lần giáo viên trường khác.

Năng lực làm việc của học sinh Ams là không thể tưởng tượng được khi chỉ nhìn bề ngoài thành tích của các em, điều này rất đáng trân trọng.

Trước đó, Báo Nhà báo và Công luận đưa tin, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng những người nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra những người ưu tú để đi thi học sinh giỏi quốc tế để cải thiện hình ảnh đất nước, mang lại sự vẻ vang cho Tổ quốc, giống như trong thi đấu thể thao hay nghệ thuật.

Tuy nhiên tiến sĩ Thành cho rằng, nếu vậy thì có cần thiết phải xây dựng tốn kém một hệ thống dàn trải các trường chuyên trên khắp cả nước.

Hiện tại trường Ams nói riêng và nhiều trường chuyên trên cả nước nói chung đều không đạt được mục đích ấy.

Họ không làm được việc đó và học sinh có vẻ cũng không muốn theo đuổi các giải đó.

Đồng thời, có rất nhiều “môn chuyên” mà chẳng có giải thi đấu quốc tế nào như môn Địa. Thế vì sao phải tài trợ cho các học sinh học môn đó cao hơn các học sinh trường công khác?

Thứ hai: Có người nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra “nhân tài” và tiến sĩ Nguyễn Đức Thành bày tỏ sự hoài nghi về mục đích này.

Theo ông, nhân tài có thực sự bộc lộ ở những năm học phổ thông và có thể đào tạo ở những năm ấy?

Tất nhiên, thông qua học hành thi cử, nhồi nhét, thách đố, tạo sức ép lên một đứa trẻ, chúng ta có thể nhận ra được một số tố chất đặc biệt như khả năng tính nhanh, khả năng suy luận hay trừu tượng hoặc nhớ vài bài thơ dài, nhưng nói chung qua quan sát thì những tỷ lệ các tài năng thực thụ trong trường Ams và các trường chuyên không nhiều.

Và không có gì bảo đảm các trường phổ thông khác không cung cấp được các nhân tài tương lai.

Cho nên, không có gì bảo đảm những đứa trẻ được tuyển và học tại trường Ams hay trường chuyên là “nhân tài” dù chúng có thể học giỏi hơn các bạn cùng lứa.

Tuy nhiên, có một điều hệ trọng hơn rất nhiều nếu nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng “nhân tài”, và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp thì những “nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân.

Còn nếu không, thì chi tiền cho nhân tài làm gì khi bản thân những người có tài, họ đã tự lo liệu cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường. Sao lại còn đầu tư thêm cho họ bằng tiền của người kém tài hơn, rồi để họ muốn làm gì thì làm.

Ông Thành nhấn mạnh: “Ở đây tôi cũng muốn làm rõ một điểm là nhiều người vẫn viện dẫn là các nước họ có những trường đặc biệt để rèn luyện những người có năng lực và sử dụng ngân sách công.

Tôi cho rằng đó là những trường đào tạo những người ở độ tuổi lớn hơn tuổi học phổ thông. Và nếu có đào tạo ở độ tuổi phổ thông thì rất ít và trong những hoàn cảnh đặc biệt (như Israel - một nước nhỏ rất cần nhân tài để phục vụ Tổ quốc tự vệ trước các nước láng giềng không hề thân thiện).

Điểm cốt yếu ở đây, những người ấy sau khi được đào tạo xong phải phục vụ bộ máy nhà nước nơi đã bỏ tiền ra đào tạo anh.

Điều này giống như trong các trường công an, quân đội hiện nay của nước ta. Tôi khẳng định, đó là những con người công cụ.

Bất kể họ tài cán thế nào, khi họ nhận sự tài trợ đặc biệt từ nhà nước để phát triển lên, họ đã chấp nhận một thỏa ước rồi: phục vụ cho nhà nước, phục vụ cho những người đã đóng tiền thuế để tài trợ cho việc học của họ, tức là trở thành công cụ cho nhà nước và nhân dân.

Vậy những học sinh ở Ams hoặc các trường chuyên, học xong họ có chấp nhận là một con người công cụ như vậy không?

Họ có thực hiện thỏa ước đó không? Và rộng hơn, triết lý giáo dục có nên khuyến khích mô hình đào tạo ra những con người công cụ như vậy không?”.

Do đó, ông Thành khẳng định: “Ngay từ đầu những người học Ams và chuyên còn không nghĩ tới một thỏa ước như thế, cả những học sinh thi vào trường lẫn những người cấp ngân sách cho trường Ams.

Họ muốn vào Ams chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục cao hơn trung bình mà tiền học thì lại thấp.

Như vậy, mục đích “đào tạo nhân tài” theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại cũng chưa bao giờ được thực hiện”.

Trinh Phúc

Tin khác

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Thay đổi cách thức công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

(CLO) Tới đây, mọi thủ tục thực hiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ thực hiện hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Giáo dục
Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

Chuyên gia chia sẻ về cách ôn tập và làm bài môn Toán để đạt điểm cao

(CLO) Theo đề thi minh họa môn Toán, kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước, do đó học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài tránh sai sót.

Giáo dục
Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

Cách để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội

(CLO) Theo chuyên gia, không khó để học sinh đạt điểm 8 môn Ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Giáo dục
Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi Robocon lần thứ nhất, năm 2024

(CLO) Mới đây, Cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất, năm 2024 đã được phát động với chủ đề “Khám phá du lịch Bắc Giang”.

Giáo dục
Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

Sắp diễn ra cuộc thi chung kết FSchool Talent Show Hà Nam mùa thứ 2

(CLO) Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng FSchool Talent Show Hà Nam 2024 sẽ diễn ra vào tối ngày 4/5 tới. Đêm thi hứa hẹn sẽ mang tới những tiết mục hấp dẫn, gay cấn và tìm ra chủ nhân xứng đáng cho ngôi vị Quán quân.

Giáo dục