Minh họa trên báo: Điều không thể mất!

Thứ ba, 18/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có thời kỳ, khi công nghệ in ấn và đòi hỏi của thông tin khác bây giờ, minh họa trên báo là một công việc quan trọng và đòi hỏi nhiều kỹ năng của người họa sĩ. Ngày nay, mở một trang báo giấy ra, hiếm khi người ta bắt gặp một bức tranh minh họa.

Vậy có khi nào tranh minh họa sẽ biến mất hẳn khỏi những trang báo giấy?

“Chắc chắn là không mất được” – Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm nói. “Chừng nào người ta còn cần đến hình ảnh trên trang báo thì công việc vẽ tranh minh họa sẽ còn tồn tại”, họa sĩ nói rất hứng khởi.

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm là họa sĩ minh họa cho nhiều tờ báo và sách giáo khoa trong suốt 25 năm qua. Tốt nghiệp ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cuộc đời bất ngờ đưa họa sĩ Lê Tâm sang công việc làm họa sĩ cho báo.

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm

Biết tôi muốn tìm hiểu về công việc làm họa sĩ minh họa - trình bày báo, anh Lê Tâm cười: “Thật ra, đầu tiên phải quay trở lại câu hỏi đầu tiên của việc vẽ minh họa. Đó là minh họa để làm gì?”.

“Minh họa trước hết là hình, nó tương tự với ảnh và khác với chữ. Mở một trang báo ra, có hai thứ đập vào mắt người đọc, đó là hình và chữ. Theo nguyên tắc thị giác, bao giờ người ta cũng nhìn vào hình, thấy hình hấp dẫn rồi sẽ sang tít bài báo – thứ chữ to, rồi cuối cùng mới là phần chữ nhỏ.

Tranh, ảnh có những hiệu quả về thông tin và cảm giác tốt hơn phần chữ rất nhiều. Ví như hàng trăm chữ miêu tả một thảm họa về thiên nhiên sẽ không bao giờ đạt hiệu quả về cảm xúc hơn một bức ảnh về chính thảm họa ấy. Hoặc sẽ có những minh họa thể hiện được toàn bộ một vụ án theo trình tự không gian, thời gian. Đấy là những điều hấp dẫn người đọc. Ảnh trên báo càng ngày càng to. Báo giấy hiện đại rất chú ý tới ảnh, thậm chí phần ảnh chiếm tới 50% của một trang báo khổ A3”- anh Lê Tâm nói.

Với tranh minh họa cũng vậy, nó đảm nhận vai trò “lôi kéo thị giác” để người ta có sự thích thú với việc đọc nội dung. Tuy nhiên, ảnh minh họa làm được những việc mà ảnh không làm được. Ví dụ có những đề tài trên báo như bài bình luận chính trị hay bài viết về vấn đề tình dục, thật khó để tìm một bức ảnh truyền tải đầy đủ nội dung hoặc bổ sung ý nghĩa cho phần chữ. Lúc này, tranh minh họa, tranh biếm họa, hoặc các sơ đồ, đồ thị sẽ có giá trị truyền tải nội dung có tính khái quát rất cao. Đó là điều mà ảnh chụp không thể thay thế.

“Khoảng thời gian tôi vẽ minh họa nhiều nhất là trước năm 2000, nhất là khi thực hiện minh họa cho báo Nhi đồng. Những câu chuyện của các tác giả văn học sẽ được tôi chuyển thể thành tranh minh họa. Có những số báo tôi vẽ từ đầu tới cuối và thậm chí có một năm tôi được báo Nhi đồng tặng thưởng danh hiệu Họa sĩ vẽ minh họa hay nhất trong năm. Đấy là những dấu ấn đáng nhớ khi tôi vẽ minh họa”- họa sĩ Nguyễn Lê Tâm kể.

06

Đòi hỏi của một họa sĩ minh họa là gì? Họa sĩ vẽ minh họa không phải là muốn vẽ gì thì vẽ. Người họa sĩ ấy cần hiểu được câu chuyện và làm cho câu chuyện thăng hoa theo cách của mình. Họ thật sự cần một tư duy “hiểm hóc” – điều hoàn toàn không giống với người làm nội dung khác.

Nhớ lại giai đoạn cách đây hai chục năm, họa sĩ Nguyễn Lê Tâm kể: “Công việc vẽ minh họa và trình bày báo khiến cho tôi có một hứng thú đặc biệt là khi tôi vẽ minh họa cho báo Văn nghệ Trẻ và báo An ninh thế giới Cuối tháng. Ở báo Văn nghệ Trẻ khi ấy, anh Nguyễn Quang Thiều – người chịu trách nhiệm nội dung đã ra một đề bài là: “Cần một tờ báo như... Tây”. Sau này, ở tờ An ninh thế giới cuối tháng, Tổng Biên tập Hữu Ước cũng đòi hỏi một tờ báo thật “mới” trong trình bày. Tôi được thỏa mãn trong sáng tạo. Suốt một thời gian rất dài, báo chí coi tranh minh họa như một kẻ “lấp chỗ trống” thì đến cuối những năm 90, đầu năm 2000, tờ Văn nghệ Trẻ và An ninh thế giới Cuối tháng giống như một cú đột phá vào nghiệp vụ trình bày báo. Một trang báo có nhiều ảnh hơn, ảnh to hơn, có những “khoảng trống”  trên trang như một quãng nghỉ cho mắt. Những điều đó thu hút người đọc. Sau này có nhiều tờ ra đời cũng đi theo con đường này, tuy vậy, để có được thành công như sự ghi nhận của đời sống thì hai tờ báo này vẫn như một tượng đài rất khó vượt qua, thậm chí có thể nói là chưa tờ báo nào vượt qua được”.

Ngày nay, khi những nguyên tắc của thông tin và đòi hỏi của đời sống đối với báo chí đã có nhiều thay đổi so với cách đây 20 năm thì công việc minh họa cho báo vẫn không có nhiều thay đổi. Kể cả trên báo điện tử thì nó cũng cần tranh minh họa và thực tế là được minh họa rất nhiều. Nếu trên báo giấy có một câu nói vui là “viết ngắn thôi cho thiên hạ được nhờ”, thì trên báo điện tử không bị giới hạn bởi “đường biên” dung lượng trang báo. Có một chuyên ngành trong minh họa báo ngày càng được các báo chú ý, đó chính là “infographic” – một dạng minh họa tổng hợp bao gồm cả hình ảnh, ảnh chụp, tranh vẽ, đồ thị. Và chỉ trong một trang infographic có thể đảm bảo được  nội dung thay thế cho hàng nghìn chữ.

Trong các tờ báo ở nước ta hiện nay còn có một tờ báo tập hợp được các họa sĩ kỳ tài và các tranh minh họa trên báo hoàn toàn có thể tách riêng khỏi nội dung mà đứng độc lập như một tác phẩm giá vẽ. Đó là báo Văn nghệ - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện riêng và rất dài xin được hẹn vào một bài viết khác.

Tử Hưng

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa