Ngược lên miền sơn cước dự hội rằm tháng ba

Thứ năm, 18/04/2019 21:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hội rằm tháng ba là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây cũng là dịp thu hút đông đảo người dân các khu vực lân cận và du khách thập phương ngược lên miền sơn cước tìm hiểu những nét văn hóa, tham dự các hoạt động tín ngưỡng của người Nguồn.

Lễ hội quan trọng của người Nguồn

Người Nguồn là một tên gọi khác của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền Tây Quảng Bình. Người Nguồn bao gồm nhiều tộc người như khùa, mày, rục, sách, kinh… Đây là một cộng đồng người có nền văn hóa phong phú với nhiều nét văn hóa đặc sắc, nổi bật.

Tham gia hội rằm tháng ba Minh Hóa du khách sẽ được hòa chung vào không khí sôi nổi của các hoạt động văn hóa, thể thao, được tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của người Nguồn.

Tham gia hội rằm tháng ba Minh Hóa du khách sẽ được hòa chung vào không khí sôi nổi của các hoạt động văn hóa, thể thao, được tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của người Nguồn.

Người nguồn có giọng nói đặc biệt mà người ngoài vừa nghe đã có thể nhận diện. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn được biết đến với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc, phong cách ẩm thực độc lạ. Trong số đó phải kể đến hội rằm tháng ba, một trong những lễ hội lâu đời, quan trọng bậc nhất của người dân nơi đây.

Hội rằm tháng ba có nguồn gốc gắn liền với câu chuyện cổ, xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt.

Thấy đẹp, người anh đã khiêng một tượng đá mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Kể từ đó, thác Cúi nơi đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Và hàng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội chợ rằm.

Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã truyền nhau câu: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba”, câu nói phần nào đã khẳng định tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của hội rằm tháng ba đối với người dân địa phương. Đã là người dân huyện Minh Hóa dù làm ăn sinh sống ở xa đến mấy ngày rằm tháng ba cũng sắp xếp về dự lễ bên gia đình, quê hương.

Sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa anh Quốc Huy hiện đang công tác tại TP. Đồng Hới cho biết, là một người con Minh Hóa từ nhỏ anh đã nghe các cụ thao giảng về tầm quan trọng của lễ hội rằm tháng ba, đến lớn dù đi công tác ở xa nhưng chưa năm nào anh vắng mặt vào dịp lễ quan trọng này.

“Tôi năm nay 25 tuổi cũng chừng ấy lần tôi được dự hội rằm tháng ba. Anh em nhà tôi cũng thế mỗi người một công việc song gần tới ngày này ai cũng sắp xếp việc gia đình, cơ quan để về tham dự. Năm nay tôi còn còn dẫn một số anh em đồng nghiệp cùng về, đây cũng là dịp để mọi người hiểu hơn về truyền thống văn hóa, tình cảm của người dân miền sơn cước chúng tôi”, anh Huy chia sẽ.

Linh thiêng lễ dâng hương thác Bụt

Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm nay với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi”, diễn ra từ ngày 10/3 đến 15/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức song song.

Cán bộ, người dân và du khách thập phương trang trọng trong lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba.

Cán bộ, người dân và du khách thập phương trang trọng trong lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất là lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba. Theo đó, từ sớm tinh mơ ngày 14/3 âm lịch, khi những tia nắng mùa hạ vừa hé qua sườn núi các lãnh đạo chính quyền sở tại, đại diện các bản làng cùng người dân địa phương và du khách thập phương lại cùng nhau đến thác Bụt để dâng hương.

Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng giữa miền sơn cước mọi người lần lượt kính cẩn dâng hương lên Bụt, từ nhà thờ chính đến đền thờ phụ rồi ra dòng suối Bụt gần đó gột rửa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, tình hình an ninh trật tự ổn định, mong thần linh phù hộ, bảo vệ cho cho mọi người.

Sau đó, mọi người sẽ đổ về trung tâm Thị Trấn Quy Đạt để tham gia phiên chợ rằm duy nhất trong năm của người Nguồn diễn ra vào ngày 15/3. Phiên chợ chủ yếu bày bán các sản vật của địa phương và các món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

Đêm trước khi diễn ra phiên chợ, là thời điểm các chàng trai cô gái bản địa đắm mình dưới ánh trăng rằm, đê mê trong men rượu đoác cùng nhau múa hát giao duyên suốt đêm. Nhiều cặp trai gái sau đó đã nên vợ nên chồng, cũng vì thế mà chợ rằm tháng ba còn được gọi là phiên chợ tình.

Đến với Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa người dân và du khách còn được hòa vào không khí sôi nổi giải bóng chuyền nam, nữ thường niên; các trò chơi truyền thống như ném xoang, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ.

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, trải qua nhiều lần tổ chức hội rằm tháng ba năm nay được huyện tổ chức quy mô hơn những năm trước. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực năm nay còn tổ chức hội chợ thương mại trưng bày các sản phẩm truyền thống địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

“Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và hội rằm tháng ba Minh Hóa năm nay ban tổ chức đã phối hợp với các công ty du lịch trong tỉnh quảng bá du lịch, văn hóa một cách rộng rãi, phát huy những tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, năm nay hội rằm tháng ba cũng vinh dự được đón tiếp các đoàn đại biểu của tỉnh Khăm Muộn (Lào) tham dự, giao lưu”, ông Đinh Văn Lĩnh cho biết thêm.

Trải qua thăng trầm của thời gian, hội rằm tháng ba Minh Hóa đã có những đổi thay nhưng những giá trị cốt lỗi, tốt đẹp của con người nơi đây vẫn được gìn giữ, phát huy.

Việt Dũng  - Quốc Anh

Tin khác

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa
Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa