Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Thứ ba, 26/03/2024 17:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Câu chuyện nhân văn giữa chiến sự

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm thứ Hai (25/3) đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas. Với 14 thành viên của hội đồng bỏ phiếu thuận và Mỹ, đồng minh thân thiết nhất của Israel, bỏ phiếu trắng, nghị quyết này có thể xem như tiếng nói mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của cộng đồng quốc tế về tình hình ở Gaza.

noi nguoi israel va palestine doan ket va chung tay cuu tro gaza hinh 1

Quân đội Israel vẫn để ngỏ khả năng tấn công trên bộ vào Rafah, thành phố biên giới của Gaza với Ai Cập, nơi có hơn 1 triệu người tị nạn. Ảnh: DW

Nhưng Israel dường như chưa sẵn sàng lắng nghe. Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tại một buổi lễ tốt nghiệp quân sự ở miền nam Israel cho hay, Tel Aviv quyết không nhượng bộ trước áp lực quốc tế và sẽ tiếp tục cuộc tấn công vào Rafah.

Trong bối cảnh căng thẳng đến cực độ như vậy, có một câu chuyện rất khác, xảy ra tại châu Âu: Một nhóm người Israel và Palestine sống ở Đức đang… chung tay cung cấp các phương tiện vệ sinh cơ bản cho người di tản ở Gaza. Họ nói rằng hành động từ xa giúp họ giảm bớt lo lắng về tác động tàn khốc của chiến tranh.

Các buồng vệ sinh có diện tích chỉ 1 mét vuông, được bịt kín bằng tấm nhựa gắn vào những thanh gỗ đơn giản. Họ cung cấp một chút riêng tư ở ngôi làng Al-Mawasi tại Gaza, nơi mà hàng nghìn người phải di dời hiện đang tụ tập cùng nhau. Dù quân đội Israel có thể coi đây là "vùng an toàn" nhưng địa điểm này lại thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp.

noi nguoi israel va palestine doan ket va chung tay cuu tro gaza hinh 2

Những nhà vệ sinh mà dự án “Nơi trú ẩn sạch sẽ” cung cấp cho người dân tại Gaza. Ảnh: DW

Những người khởi xướng sáng kiến này là Tom Kellner là một người Israel gốc Do Thái đến từ Haifa và Abu Daqa, một người Palestine đến từ Gaza. Cả hai đều sống tại Đức. Daqa ở Munich, còn Kellner ở Berlin.

Hai người có thể sẽ không bao giờ gặp nhau ở Israel hoặc Gaza. Nhưng ở Đức, họ đã hợp tác để kêu gọi quyên góp từ bạn bè, người quen và họ hàng ở Israel, vùng lãnh thổ Palestine, Đức và hơn thế nữa.

Abu Daqa đã sử dụng mạng lưới của mình ở Gaza để tổ chức vật liệu và xây dựng các cơ sở vệ sinh và lều bạt. Ngay từ đầu, họ biết chỉ có thể làm việc với những gì đã có sẵn trong khu vực Al-Mawasi trên bờ biển phía nam Gaza, bởi ngay cả các tổ chức viện trợ lớn cũng không thể cung cấp nguyên liệu do những hạn chế do quân đội Israel áp đặt.

Kể từ khi dự án “Nơi trú ẩn sạch sẽ” của họ bắt đầu vào tháng 1 năm nay, 28 nhà vệ sinh, một số có vòi sen, đã được lắp đặt cũng như 30 lều, mỗi lều có thể chứa 10 người. Một nhà vệ sinh có giá từ 200 đến 500 euro.

Đối thoại chứ không đối đầu

Những người sáng lập chương trình gặp nhau thông qua một dự án đối thoại dành cho người Israel và người Palestine sống ở châu Âu. Sau khi gặp nhau trực tuyến thường xuyên trong nhiều tuần, gần đây họ đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên tại một hội thảo chung ở Berlin.

Nhóm đối thoại được khởi xướng bởi Slieman Halabi, một người Palestine có quốc tịch Israel, có bằng tiến sĩ tâm lý xã hội và giống như Abu Daqa, hiện sống ở Munich. Halabi nói: “Chúng tôi sống ở châu Âu và cảm thấy rất cô đơn, đặc biệt là khi đang có chiến tranh ”.

noi nguoi israel va palestine doan ket va chung tay cuu tro gaza hinh 3

Slieman Halabi người Palestine (trái) gần đây đã gặp Gali Blay, một người Israel gốc Do Thái tham gia hội thảo và những người khác ở Berlin. Ảnh: DW

Halabi được đào tạo để làm người điều phối ở làng Neve Shalom, hay Wahat al-Salam, có nghĩa là "ốc đảo hòa bình" trong tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập.

Nằm giữa Tel Aviv và Jerusalem, mục đích của “Trường Hòa bình” trong làng là tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ giữa người Israel và người Palestine.

"Đó là một trải nghiệm học tập. Nó không phải là tìm kiếm một giải pháp tức thời cho cuộc xung đột, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ tìm ra giải pháp mà mọi người thực sự cần hiểu quan điểm của nhau và không hành động riêng lẻ nếu không biết các cơ chế nền tảng khiến mọi người hành động theo những cách nhất định liên quan đến cuộc xung đột”, Halabi nói.

Người Palestine từ Gaza, Syria và Bờ Tây bị chiếm đóng cũng tham gia vào nhóm đối thoại đầu tiên của “Trường Hòa bình” bên ngoài Israel và gặp gỡ những người Israel gốc Do Thái. Điều này chỉ có thể thực hiện được vì tất cả họ hiện đang sống ở châu Âu.

Ý tưởng thành lập một nhóm "người Israel và người Palestine lưu vong" đã có trong đầu Halabi từ lâu khi anh lên lịch tổ chức sự kiện trực tuyến đầu tiên vào ngày 8 tháng 10 năm 2023.

Nhưng 17 người tham gia không hề biết rằng họ sẽ trải qua cuộc gặp gỡ đầu tiên đó bằng một cú sốc sau khi hàng trăm tay súng Hamas đột nhập qua biên giới Israel vào ngày 7/10, giết chết 1.160 người và bắt khoảng 250 con tin.

Halabi nhớ lại việc xem tin tức ngày hôm đó. “Tôi không thể làm gì khác ngoài việc ngồi đó và xem điều này và phát điên”, anh nói.

Nhiều người trong số những người đã nhận được giấy mời tham dự cuộc gặp trực tuyến đã hỏi liệu cuộc họp có nên hủy bỏ hay không. Nhưng Halabi không muốn làm điều đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. "Tôi nói với họ: Hãy đến. Chúng ta cần nói chuyện - bây giờ hơn bao giờ hết," anh kể. 

Tất cả 17 người tham gia đều có mặt trong cuộc gọi điện video vào ngày hôm sau. Halabi nói: “Khi bắt đầu mỗi nhóm mới, chúng tôi quyết định các quy tắc chung về cách chúng tôi muốn nói chuyện với nhau”.

Anh nói thêm rằng không ai muốn bị xúc phạm hoặc tổn thương. Nguyên tắc quan trọng nhất là mọi người phải lắng nghe lẫn nhau. "Ví dụ, một số người Palestine đã hỏi: Điều gì đang xảy ra bên trong một người lính Israel đang ném bom Gaza?"

Những chủ đề nhạy cảm như vậy gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ. Những người tham dự đều cho biết đã có rất nhiều nước mắt trong cuộc gặp ở Berlin, nhưng cũng có những cái ôm, giữa một số người Israel và Palestine đang ngồi lại cùng nhau ở chung một địa điểm để cùng online.

“Có cảm giác như chúng tôi đang sống trong một thực tế khác, một thế giới tràn ngập tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau”, Gali Blay - một người Israel có anh họ sống ở Be'eri, một trong những cộng đồng kibbutzim chứng kiến nhiều cái chết sau cuộc tấn công của Hamas - chia sẻ về ý nghĩa của cuộc gặp.

Nguyễn Khánh (theo Guardian, DW)

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế