Quan trọng là giảm tải, là thói quen, không phải chuyện lùi giờ học!

Thứ năm, 27/10/2022 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thời gian gần đây, câu chuyện “học sinh hiện có đang phải đi học quá sớm hay không?” là vấn đề được nhắc lại và gây nhiều tranh luận.

Tuy nhiên, theo chính những người đang trực tiếp làm công tác giáo dục, trực tiếp gắn bó hằng ngày với học sinh, vấn đề căn cốt, không phải là lùi giờ học mà là làm thế nào để học sinh có thói quen, sinh hoạt khoa học cùng lịch trình học tập hiệu quả nhất có thể.

1. Một luồng ý kiến đông đảo đang cho rằng nên lùi giờ học để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt của trẻ. Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng thời gian vào học của học sinh tiểu học hiện quá sớm, có trường tổ chức học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn là 6 giờ 45 phút, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, nhiều em không kịp thời gian ăn sáng, phải ăn vội vàng khi ngồi trên xe, ngủ gật khi đến lớp...

Đơn cử như một tờ báo dẫn ý kiến của một phụ huynh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện nay con chị phải có mặt ở trường lúc 7 giờ sáng. Tính trung bình cháu chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày. Buổi chiều sau khi học chính thì cháu phải đi học thêm, khoảng 8 giờ tối về đến nhà, ăn uống tắm rửa thì 9 giờ. Sau đó cháu ngồi vào bàn học, số lượng bài tập nhiều, có hôm phải học đến 1 giờ sáng, bình thường thì khoảng 12 giờ mới đi ngủ. Sáng ra 5 giờ 30 phải dậy chuẩn bị ăn sáng và ra xe buýt tới trường. Mặt cháu nào cũng ngơ ngác vì thiếu ngủ.

quan trong la giam tai la thoi quen khong phai chuyen lui gio hoc hinh 1

Có ý kiến đề xuất lùi giờ đi học của trẻ em là 8h30-9h, một khung giờ phổ biến trên nhiều quốc gia khác. Trước áp lực từ phụ huynh, thời gian vừa qua, một số trường học tại TP.HCM đã quyết định lùi giờ vào học từ 15 đến 30 phút để phụ huynh, học sinh đỡ vất vả khi phải dậy sớm đi học.

Thực tế, câu chuyện học sinh… thiếu ngủ không phải bây giờ mới bàn tới. Cách đây 4 năm, đề tài nghiên cứu của 2 nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định, TP.HCM) về vấn đề thiếu ngủ của học sinh, cho biết, khảo sát với 7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố, cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ.

Có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. 44,1% học sinh không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ từ 23h - 0h chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,8%, 20,7% học sinh đi ngủ sau 0h sáng, số học sinh đi ngủ trước 22h chỉ chiếm 8,6%.

2. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân trong giới phụ huynh lại có không ít ý kiến cho rằng giờ vào học phổ biến bấy lâu nay là hợp lý, phù hợp với đa số phụ huynh hiện nay vừa đi làm vừa đưa con đi học.

“Tôi thấy nhiều phụ huynh kêu ca là con phải dậy từ 5h để đi học. Tôi lấy làm lạ và bất ngờ. Thành phố đều bố trí trường học đúng tuyến rất hợp lý, bán kính chỉ khoảng 3-5km, như ở phường tôi có đến 2 trường tiểu học. Như vậy nếu học đúng tuyến thì tại sao phải dậy từ 5h để đi học? Phụ huynh cần chọn trường phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Vợ chồng tôi bận rộn vì thế chọn trường đúng tuyến, gần nhà là ưu tiên số 1 để cả cha mẹ và con cái cùng không vất vả”, Báo Thanh Niên dẫn lời một phụ huynh tại phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM có hai con đang học.

Thậm chí có ý kiến còn kiến nghị nên… mở cửa trường sớm để nếu phụ huynh có nhu cầu đến sớm có thể đưa con vào trường.

quan trong la giam tai la thoi quen khong phai chuyen lui gio hoc hinh 2

Về phần giáo viên, Báo Giáo dục thời đại dẫn lời cô Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, học sinh của nhà trường đều bắt đầu tiết học lúc 7 giờ 45 phút. Trước đó 15 phút, các em đã phải có mặt để ổn định lớp học.

Buổi sáng, học sinh được ra chơi 20 phút. 10 giờ 45 phút, các em học xong tiết 4 rồi nghỉ ngơi, ăn trưa và đi ngủ đến 13 giờ 20 phút. Giờ học buổi chiều của các em bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ. Buổi chiều, học sinh cũng có 15 phút ổn định lớp trước khi vào tiết học. Lịch học này đã được nhà trường triển khai nhiều năm nay. Tất cả phụ huynh đều ủng hộ vì giờ đi học và tan học của các con phù hợp với lịch trình của họ. Quan trọng hơn, học sinh có thể ngủ đủ giấc, có thời gian ăn sáng.

Còn trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo của một trường tư thục tại Hà Nội cho rằng, hầu hết học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã học bán trú. Nếu lùi giờ vào lớp buổi sáng thì nhà trường phải cắt bớt giờ nghỉ trưa để đảm bảo đủ thời gian dạy và học. Như vậy, học sinh sẽ không có đủ thời gian nghỉ ngơi. Trong trường hợp đảm bảo đầy đủ giờ nghỉ trưa thì nhà trường phải lùi giờ vào học buổi chiều. Kết quả là thời gian tan học buổi chiều sẽ muộn hơn, khoảng 17 giờ, giờ này là giờ tan tầm dễ gây ảnh hưởng đến giao thông.

Vị lãnh đạo này cho rằng, ở miền Bắc vào mùa đông, trời tối sớm. Nếu tan học muộn, học sinh sẽ về nhà trong thời tiết lạnh giá hơn vì trời đã tối. Nói chung, rất nhiều hệ luỵ sẽ dẫn đến với chính các phụ huynh nếu đồng loạt thay đổi giờ học.

“Phụ huynh phản ánh trẻ chỉ được ngủ 5-6 tiếng. Tôi không hiểu sao mà các bé ngủ ít giờ như vậy? Lỗi tại ai? Nhẩm đi nhẩm lại với thời gian ngủ như thế thì bé thức khuya quá, mãi 12h đêm có khi 1h sáng. Vậy bé thức làm gì? Có phải do người lớn ép con học hay vì một lý do nào khác nữa?” – lời chia sẻ hết sức thẳng thắn của ThS. Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) với phóng viên Báo Lao Động đã hướng câu chuyện tranh cãi “lùi hay không nên lùi giờ học” sang một hướng hoàn toàn khác.

Một lãnh đạo một trường công lập tại Hà Nội cũng gợi mở khía cạnh này khi chia sẻ: Tôi biết đa số các em đã có điện thoại thông minh, nhiều em hay thức khuya để chơi game, xem phim. Nếu chúng ta cho vào lớp muộn hơn, tôi lo ngại các em sẽ càng có lý do để thức khuya hơn nữa. Còn

PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam thì cho rằng, trẻ con ít ngủ đơn giản không phải vì thời gian phải có mặt ở trường sớm quá mà là do trẻ đi ngủ quá muộn. Đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không gian sinh hoạt trong gia đình chật hẹp, người lớn thiếu hiểu biết và vị kỷ đã làm cho trẻ em sinh hoạt theo lịch của người lớn. Cha mẹ thức đến 11 giờ mới ngủ thì con cũng thức đến 11 giờ. Cha mẹ qua 12 giờ mới tắt tivi, điện thoại, tắt đèn thì tầm đó con cũng mới ngủ.

Thực trạng chương trình học ở trường quá nặng, ngoài giờ học, gia đình còn ép các em phải “chạy show” học thêm… cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến các em quá tải và thiếu ngủ.

Trở lại đề tài nghiên cứu của hai nữ sinh 4 năm trước tại TP.HCM. Lý do học sinh bị thiếu ngủ được 2 nữ sinh chỉ ra trong đề tài của mình là: Do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.

Rõ ràng, trong câu chuyện làm thế nào để trẻ em ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, có đủ sức khoẻ, tinh thần tốt, phấn chấn dễ tiếp thu bài, không ảnh hưởng tới sự phát triển của thể chất, là câu chuyện cần tổng hoà các yếu tố, vốn không mới: sự kết hợp, sát sao giữa nhà trường và gia đình.

Thay vì một sự phức tạp, cồng kềnh, thậm chí là nguy cơ kéo theo quá nhiều hệ luỵ khi thay đổi giờ học thì nên chăng là trách nhiệm của ngành giáo dục, của từng nhà trường trong việc giảm tải chương trình, giảm lượng bài tập về nhà cho học sinh, hạn chế việc dạy thêm, trách nhiệm, sự sát sao nghiêm cẩn của từng bậc phụ huynh, gia đình trong việc quản lý, giám sát giờ giấc, thói quen sinh hoạt của con em mình, sao cho khoa học, lành mạnh nhất…

Làm được như vậy, mới có thể mong, với các em, mỗi ngày đến trường mới thực sự đích thực là mỗi ngày vui như chúng ta vẫn kêu gọi.

Hồng Hà

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn