Tại sao cho rằng biến thể Omicron sẽ ít gây chết người là quá sớm?

Thứ ba, 07/12/2021 14:54 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron của Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hơn đang làm dấy lên hy vọng rằng đột biến này sẽ ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để lạc quan về điều đó.

Tại sao lại lạc quan?

Theo quan niệm phổ biến, biến thể virus mới dần dần sẽ gây ra ít ca tử vong hoặc bệnh nghiêm trọng hơn theo thời gian, do chúng tiến hóa để ít gây hại hơn cho vật chủ nhằm đảm bảo cho việc tiếp tục nhân lên.

tai sao cho rang bien the omicron se it gay chet nguoi la qua som hinh 1

Một phụ nữ tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ hai từ một nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Katlehong, phía đông Johannesburg, Nam Phi - Ảnh: Themba Hadebe

Nhưng các nhà khoa học đã cảnh báo rằng ngay cả khi Omicron đã tiến hóa và lây lan nhanh hơn biến thể Delta, thì điều đó không có nghĩa nó sẽ ít gây chết người hơn, vì vậy không nên coi nhẹ cho đến khi chúng ta có thêm thông tin.

Tính đến thứ Bảy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa có trường hợp tử vong nào do Omicron được ghi nhận. Nhưng các chuyên gia y tế đến từ Nam Phi, nơi phát hiện ra biến thể lần đầu tiên, đã khuyến cáo các bệnh nhân vẫn có một vài triệu chứng.

WHO cho biết có thể mất nhiều tuần để xác định liệu nó có gây ra các bệnh nặng hay không, song các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao gấp 3 lần so với các chủng trước đó như Beta và Delta.

Thực tế, một số lượng lớn người bị nhiễm Sars-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19, không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Ngoài ra, có những trường hợp đáng lo hơn khi mất vài tuần từ khi nhiễm đến khi chết, có nghĩa là virus có nhiều thời gian để nhân rộng và lây lan.

“Điều bất thường là loại virus này thực hiện hầu hết quá trình sao chép trước khi có các triệu chứng, vì vậy tôi không tin rằng những quy tắc này sẽ được áp dụng”, giáo sư Nigel McMillan tại Đại học Griffith của Úc đánh giá.

Ông cảnh báo thêm: “Câu chuyện nhẹ nhàng hơn nhưng dễ lây lan hơn là không đúng. Nó có thể nhẹ hơn, nhưng virus vẫn sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh cúm, vì vậy nó vẫn rất nghiêm trọng”.

Virus đột biến mọi lúc khi chúng tự tái tạo để xâm nhập vào tế bào vật chủ để tồn tại. Trong khi nhiều đột biến không có bất kỳ ảnh hưởng nào, thì một số đột biến có thể giúp virus sinh sản và lây lan tốt hơn. Một nhóm virus khác biệt với cha mẹ hoặc các nhóm virus khác được gọi là một dạng biến thể.

Jeffrey Joy, phó giáo sư tại Đại học British Columbia, cho biết: “Nhiều người cho rằng quá trình tiến hóa sẽ tạo ra một loại virus ít gây hại cho vật chủ hơn. Điều này không thực sự đúng. Virus trở nên độc hơn hay ít hơn phụ thuộc vào sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố khác nhau”.

Các yếu tố đó bao gồm thời gian người bị nhiễm, xác suất lây truyền và tổn thương mà virus gây ra.

“Kết quả thay đổi từ các yếu tố khác nhau này quyết định hướng phát triển của độc lực. Điều này có thể đi theo một trong hai hướng: hoặc giữ nguyên và ít độc hại hơn, hoặc độc hại hơn”, Joy phân tích thêm.

tai sao cho rang bien the omicron se it gay chet nguoi la qua som hinh 2

Các báo cáo ban đầu ủng hộ niềm tin rằng virus trở nên kém độc hại hơn theo thời gian là quá vội vàng - Minh họa: Lau Ka-kuen

Omicron vẫn chưa được “giải mã”

Biến thể Alpha, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, được WHO mô tả là “biến thể cần quan tâm” đầu tiên. Nó có 4 đột biến trong protein, giúp kiểm soát sự xâm nhập vào các tế bào vật chủ và gây nhiễm trùng.

Biến thể Alpha được phát hiện có khả năng lây truyền cao hơn từ 40 đến 80% so với biến thể ban đầu và nhiều nghiên cứu cho thấy nó có nguy cơ gây tử vong hoặc bệnh nặng cao hơn.

Tiếp đến là biến thể Delta, hiện là chủng chiếm ưu thế toàn cầu, với 10 đột biến protein, có khả năng lây truyền còn cao hơn và độc hơn biến thể Alpha. Trong khi đó, biến thể Omicron có hơn 20 đột biến trên protein!

Một số lượng lớn các đột biến không hẳn có khả năng lây truyền cao hơn hoặc tránh kháng thể mạnh hơn - nhưng các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang chạy đua để trả lời các câu hỏi này.

Việc tìm hiểu các đặc điểm sinh học của biến thể Omicron sẽ mất nhiều thời gian, nhưng kết quả sẽ cung cấp manh mối về cách biến thể này sẽ định hình quỹ đạo mới của đại dịch.

Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard trên tạp chí Cell vào tháng trước, một biến thể cải thiện mức độ lây truyền có thể nguy hiểm hơn một biến thể tránh được hệ thống miễn dịch. Và một biến thể có cả hai đặc điểm trên thì nguy hiểm hơn rất nhiều.

Một trong những tình huống xấu nhất là Omicron thay thế biến thể Delta làm chủng vượt trội theo thời gian khiến việc chống đại dịch Covid-19 toàn cầu đi chệch hướng.

Mặt khác, Omicron có thể chỉ là một làn gió thoáng qua như Beta, một biến thể đáng lo ngại xuất vào tháng 10 năm ngoái và rất nguy hiểm. Nhưng nó không có mức độ lây lan rộng và dự kiến sẽ mất dần theo thời gian.

Bởi vậy, Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng và chúng ta có thể còn thấy những biến thể nguy hiểm hơn.

Christopher Brooke, nhà virus học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, cho biết: “Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và thậm chí có khả năng chúng ta sẽ thấy một biến thể có khả năng lây truyền cao hơn cả Delta”.

tai sao cho rang bien the omicron se it gay chet nguoi la qua som hinh 3

Một nhân viên y tế Nhật Bản đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới - Ảnh: SCMP

Thận trọng, nhưng không hoang mang

Nhưng ngay cả khi xuất hiện một biến thể dễ lây truyền hơn Delta hoặc gây ra nhiều ca tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng hơn, thì vẫn có nhiều lý do để hy vọng căn bệnh này sẽ được kiềm chế.

Brooke cho biết virus sẽ trở nên phức tạp hơn, khi sự cân bằng giữa khả năng lây truyền và mức độ tránh miễn dịch sẽ được gia tăng. Nhưng tiêm chủng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng.

Một số nhà sản xuất vắc xin cho biết họ vẫn đang nghiên cứu hiệu quả của sản phẩm chống lại Omicron và sẽ đưa ra đánh giá liệu có cần một mũi tiêm “cập nhật” hay không. Hiện hơn 42,7% dân số thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, dù rằng chủ yếu ở các nước giàu có.

Châu Phi, nơi biến thể Omicron được báo cáo lần đầu tiên vào tuần trước, mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho dưới 8% dân số. WHO đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào cuối năm 2022.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêm chủng cao “chắc chắn sẽ giúp ích”, đồng thời cần tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các nước khó khăn vì điều này sẽ giúp ngăn những biến thể mới phát sinh.

Cuối cùng Brooke đi đến kết luận: “Kết quả có thể xảy ra nhất là một cái gì đó như virus cúm mùa. Chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của nó trên toàn cầu, nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm đi đáng kể do khả năng miễn dịch trong cơ thể con người đã có sẵn và sẽ được củng cố”.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế