Tại sao Nam Phi kiện Israel về tội diệt chủng?

Thứ bảy, 27/01/2024 16:01 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sau hậu quả của nạn diệt chủng Holocaust trong Thế chiến II, thế giới đã thống nhất một Công ước Diệt chủng năm 1948 để đảm bảo những tội ác này không bao giờ xảy ra nữa.

Công ước được soạn thảo vào năm 1948, năm Israel được thành lập với tư cách là một quốc gia Do Thái. Giờ đây, Israel lại đang bị cáo buộc tại tòa án cao nhất của Liên hợp quốc về chính tội ác mà quốc gia này đã phải hứng chịu vào cuối những năm 1930 trong Thế Chiến II.

tai sao nam phi kien israel ve toi diet chung hinh 1

Những tù nhân bị bỏ đói, suýt chết vì đói tại một trong những trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã ở Evensee Austria trên dãy Alps của Áo ngày 7/5/1945. Số tù nhân chết đói lên tới 2.000 người mỗi tuần. Trại được giải phóng bởi Sư đoàn 80, Tập đoàn quân số 3 của Mỹ. (Ảnh: AP)

Bà Mary Ellen O'Connell, giáo sư luật và nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Viện Kroc của Đại học Notre Dame, cho biết Công ước Diệt chủng 1948 được thành lập dựa trên tội ác của Đức Quốc xã nhằm loại bỏ sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu 

Giờ đây, trước cuộc xung đột quân sự tàn khốc giữa ở Gaza, Nam Phi đã ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng. Israel bác bỏ cáo buộc này.

Vào thứ Sáu (26/1), tòa án đã ra lệnh cho Israel kiềm chế mọi hành động có thể vi phạm Công ước Diệt chủng và đảm bảo quân đội của họ không thực hiện hành vi diệt chủng ở Gaza. Israel cũng phải thực hiện các biện pháp nhân đạo cho thường dân Palestine tại khu vực này. 

Dưới đây là thông tin thêm về tội ác diệt chủng và các trường hợp phạm tội diệt chủng khác trong quá khứ.

Diệt chủng là gì?

Công ước ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng là thỏa thuận quốc tế được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 9/12/1948. Trong đó định nghĩa tội diệt chủng là những hành vi "được thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo".

Những hành vi diệt chủng bao gồm giết hại; gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong tập thể; cố ý bắt các tập thể phải sống trong những điều kiện dẫn đến việc biến mất cả cộng đồng; áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh sản của cộng đồng; cưỡng bức chuyển trẻ em từ cộng đồng này sang cộng đồng khác.

tai sao nam phi kien israel ve toi diet chung hinh 2

Người Palestine tìm kiếm thi thể và người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà dân cư bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: AP

Văn bản này được lặp lại trong Quy chế Rome, hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Diệt chủng là một trong những tội ác thuộc thẩm quyền của Tòa án này, cùng với tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược. ICC truy tố các cá nhân và tách biệt với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi phán quyết các tranh chấp giữa các quốc gia.

Trong hồ sơ bằng văn bản và tại phiên điều trần công khai hồi đầu tháng 1, Nam Phi đã cáo buộc lực lượng Israel có các hành động diệt chủng, bao gồm giết người Palestine ở Gaza, gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và thể chất, đồng thời cố tình gây ra các điều kiện nhằm "hủy diệt về thể chất của họ với tư cách một cộng đồng".

Israel đã kịch liệt phản đối cáo buộc của Nam Phi, cho rằng nước này đang hành động để tự vệ trước "mối đe dọa diệt chủng" do Hamas gây ra.

Làm thế nào để chứng minh tội diệt chủng?

Theo AP, khó có thể xác định quốc gia nào đang thực hiện tội ác diệt chủng, bởi bên cạnh nhiều yếu tố cơ bản được liệt kê trong công ước, thì yếu tố chính để xác định tội diệt chủng nằm ở ý định - ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. 

Tại các phiên điều trần công khai hồi đầu tháng này và trong văn bản đệ trình chi tiết lên ICJ, Nam Phi đã trích dẫn các bình luận của các quan chức Israel rằng nước này tuyên bố thực hiện ý định.

Tuy nhiên, chuyên gia luật quốc tế Malcolm Shaw thuộc nhóm pháp lý của Israel, gọi những bình luận mà Nam Phi nêu bật là "những trích dẫn ngẫu nhiên không phù hợp với chính sách của chính phủ".

Những vụ kiện diệt chủng trong quá khứ

Lần gần nhất ICJ đưa ra phán quyết diệt chủng là vào năm 2007. Khi đó, tòa án này ra phán quyết rằng Serbia "vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn nạn diệt chủng" trong vụ thảm sát ở vùng đất Srebrenica của Bosnia vào tháng 7/1995. Thời điểm đó, lực lượng người Serb ở Bosnia đã vây bắt và sát hại hơn 8.000 đàn ông và bé trai chủ yếu là người Hồi giáo.

Hai vụ án về tội diệt chủng khác hiện vẫn đang được ICJ xét xử. Một là trường hợp Ukraine đệ đơn kiện ngay sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự vào nước này hai năm trước, cáo buộc Moscow đang lên kế hoạch cho các hành động diệt chủng ở Ukraine. Khi đó, ICJ đã ra lệnh cho Nga ngừng xung đột, tuy nhiên bị Moscow bác bỏ.

tai sao nam phi kien israel ve toi diet chung hinh 3

Du khách xem những hình ảnh người Do Thái bị giết trong vụ thảm sát Holocaust tại Sảnh Tên trong Đài tưởng niệm Holocaust Yad Vashem ở Jerusalem, Israel ngày 7/4/2013. Ảnh: AP

Một trường hợp vào ngày 11/11/2019, Gambia gửi đơn kiện lên ICJ cáo buộc Myanmar đã có hành vi diệt chủng chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Gambia đã đệ đơn kiện thay mặt cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Một điểm tương đồng giữa Gambia và Nam Phi là cả hai quốc gia đều đệ trình đơn kiện lên ICJ trong các cuộc xung đột mà họ không trực tiếp tham gia. Đó là vì công ước diệt chủng bao gồm một điều khoản cho phép các quốc gia riêng lẻ, ngay cả những quốc gia không liên quan, kêu gọi Liên hợp quốc hành động để ngăn chặn hoặc trấn áp các hành vi bạo lực của diệt chủng.

Có tòa án quốc tế nào khác xử lý tội diệt chủng không?

Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ đã kết án các bị cáo bao gồm cựu lãnh đạo người Serb Bosnia Radovan Karadzic và chỉ huy quân sự của ông, Tướng Ratko Mladic về tội diệt chủng vì liên quan đến vụ thảm sát Srebrenica.

Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda, có trụ sở chính tại Arusha (Tanzania), là tòa án quốc tế đầu tiên đưa ra bản án diệt chủng khi kết luận Jean Paul Akayesu phạm tội diệt chủng cùng các tội danh khác. Năm 1998, tòa án Rwanda kết án Jean Paul Akayesu tù chung thân.

Ông ta bị kết án vì đóng vai trò trong vụ diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, khi các chiến binh người Hutu tàn sát khoảng 800.000 người, chủ yếu là người Tutsi thiểu số. Tòa án đã kết án 62 bị cáo vì liên quan đến nạn diệt chủng.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã buộc tội Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir về tội diệt chủng ở vùng Darfur. Chiến sự vùng Darfur bùng phát khi các phiến quân nổi dậy chống lại chính phủ ở Khartoum, cáo buộc họ phân biệt đối xử với cộng đồng không phải người Ả Rập ở đây.

Khartoum đáp trả bằng cách triển khai Janjaweed, lực lượng dân binh vũ trang Arab đã tấn công các ngôi làng ở Darfur bên cạnh quân đội chính quy. Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người do giao tranh trực tiếp cũng như bệnh tật và suy dinh dưỡng. Khoảng 2,7 triệu người đã phải di tản.

Một tòa án hỗn hợp trong nước và quốc tế ở Campuchia đã kết án ba trong số các lãnh đạo Khmer Đỏ - chế độ mà sự cai trị tàn bạo vào những năm 1970 đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người. Hai người trong số họ bị kết tội diệt chủng.

Hoài Phương (theo AP)

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế