Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần 2:

Việt Nam xây dựng vị thế từ niềm tin!

Thứ sáu, 01/03/2019 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Việc chọn Việt Nam cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng Việt Nam sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên.

Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi trở thành chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, diễn ra trong hai ngày 27 - 28/2. Việc chọn Việt Nam, mà cụ thể là Hà Nội đã cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng Việt Nam sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên. Khi niềm tin của cộng đồng quốc tế về năng lực tổ chức các sự kiện lớn của Việt Nam tăng lên, Việt Nam có thể thu hút các sự kiện khác trong tương lai nhiều hơn, và như vậy những cơ hội tiềm năng như nêu trên sẽ có thể tiếp tục xuất hiện. Ngoài ra, đây cũng là dịp để Việt Nam nhìn lại, hoàn thiện và phát huy những yếu tố quan trọng khác như cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông, an ninh công cộng, hạ tầng giao thông và văn minh đô thị.

Việt Nam và câu chuyện truyền cảm hứng

Dù mỗi người có phỏng đoán khác nhau thì hầu như cộng đồng quốc tế đều đồng ý rằng Việt Nam là địa điểm tuyệt vời để hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên gặp nhau. Bởi trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã nỗ lực gây dựng hình ảnh một đất nước không chỉ như ngôi sao đang lên về kinh tế mà còn trong tư cách một thành viên tích cực, có vị thế quan trọng trong sân chơi khu vực.  Hầu hết các chuyên gia quốc tế đều cho rằng: Những nhà lãnh đạo Việt Nam đã khéo léo chèo lái đất nước giữa những mối quan hệ và lợi ích chằng chéo, xung đột của các cường quốc mà vẫn giữ vững được sự độc lập. Họ đã thành công trong việc bảo vệ vị thế trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng hay tìm cách gây ảnh hưởng lên các sự kiện toàn cầu.

Dĩ nhiên, không thể không kể đến bề dày kinh nghiệm dày dạn của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế trọng đại. Thành công của Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á — Thái Bình Dương APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng đã được cả khu vực ghi nhận và gây ấn tượng với Trump đến mức mà có lời đồn cho rằng Tổng thống Mỹ muốn tổ chức Thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai ở thành phố biển xinh đẹp này.

Nhưng cuối cùng Hà Nội đã được lựa chọn, bởi những lý do hiển nhiên: Thủ đô, nơi tập trung các cơ quan chính phủ đầu não của Việt Nam, nơi cả Triều Tiên và Mỹ đều đặt đại sứ quán và có đầy đủ các phương tiện để đảm bảo an ninh và đi lại. Và còn nơi nào mang tính biểu tượng hơn thành phố được UNESCO mệnh danh là thành phố vì Hòa bình để tổ chức hội nghị về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên?

Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Việt Nam có thể là một câu chuyện truyền cảm hứng. Đã từ lâu, nơi đây được xem như một hình mẫu về một quốc gia, cho dù bị tàn phá bởi cuộc chiến khốc liệt với Mỹ, cho dù từng bị trừng phạt nặng nề và cô lập trên trường quốc tế, đã vươn lên mạnh mẽ kể từ khi đổi mới, mở cửa với thế giới bên ngoài. Mỹ và Việt Nam - hai cựu thù trong chiến tranh, cũng đã tìm được nền tảng chung để xây dựng quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi và một con đường để cả hai cùng tiến về phía trước.

Cả Mỹ và có thể là cả nhà lãnh đạo Kim Jong Un đều hứng thú với Việt Nam bởi những thành công trong cải cách kinh tế của Hà Nội mang tính biểu tượng cao. Nói như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Việt Nam đã thành công trong nỗ lực thoát ra khỏi Thế giới thứ Ba để gia nhập vào nhóm các quốc gia của Thế giới thứ Nhất, được thế giới ghi nhận nhờ những thành tựu của Đổi Mới.

Hà Nội - Việt Nam trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.

Hà Nội - Việt Nam trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.

Hội nhập sâu rộng

Như các chuyên gia quốc tế đã phân tích, việc chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức đã cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên. Đồng thời, nhìn vào những thành quả của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và phát triển cũng không thể phủ nhận vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.

Từ một nước bước ra từ gian khó của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển; kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… tất cả mọi “mặt trận” đều cho thấy những triển vọng tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Với những bước đi đầy đĩnh đạc, Việt Nam đã từng bước hội nhập với thế giới. Bởi thế, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Điểm lại những con số cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức rất cao. Trong đó, tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Đồng thời, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu 482 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do.

Tầm vóc, vị thế và uy tín trong nước được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung quan điểm: Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh. Đặc biệt, Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, đang mở ra những cơ hội phát triển và hợp tác to lớn về thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế.

Lợi ích lớn nhất của Việt Nam?

Lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi trở thành chủ nhà cho cuộc gặp này, theo Carl Thayer - giáo sư Đại học New South Wales, nhà nghiên cứu lâu năm về đối ngoại Việt Nam, là việc giúp tái khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa” và “làm bạn với tất cả”. Với việc tổ chức hội nghị, Việt Nam sẽ có thể nâng cao uy tín trong việc đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu. Tất cả các nước lớn đều có lợi ích ở việc Việt Nam đóng vai trò độc lập và mang tính xây dựng tại khu vực. Vì vậy, bất luận kết quả có như thế nào, ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh sắp cũng sẽ quan trọng không kém lần gặp trước.

Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ tiếp tục được gia tăng. Giờ đây thế giới hoàn toàn có thể tin vào lời tuyên bố của Việt Nam, rằng đất nước này sẽ làm mọi điều có thể để góp phần thúc đẩy “hòa bình, an ninh và ổn định” quốc tế. Điều này sẽ tiếp tục củng cố sự tin cậy mà Việt Nam đã miệt mài gây dựng lâu nay với cộng đồng quốc tế. Điều chắc chắn mà Việt Nam nên làm là củng cố vị thế đã giành được trên trường quốc tế. Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong các hội nghị APEC và ASEAN.

Không có lý do gì để ngăn cản Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tổ chức và định chế khu vực khác, như Ngân hàng Phát triển châu Á chẳng hạn, một tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam đang có những “cơ hội vàng” để hiện diện tích cực hơn ở các diễn đàn đầu tư quốc tế, kêu gọi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như thu hút du khách quốc tế.

Đường tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

- Ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, ra tuyên bố chung đặt ra 4 lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, song song với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

- Tháng 7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim Yong Chol, người được ông Kim Jong-un chỉ định phụ trách các tiếp xúc với phía Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.

- Tháng 9-2018, Ngoại trưởng Pompeo gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cùng xem xét các bước tiếp theo và tiến trình thảo luận giữa chính phủ hai nước.

- Đầu tháng 10-2018, Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng, thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong (em gái của ông Kim Jong-un) và ông Kim Yong Chol.

- Tháng 11 và 12-2018, hai bên gặp khó khăn trong đàm phán.

- Cuối tháng 12-2018, thông qua trao đổi thư giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, cuộc đàm phán đã được khởi động lại một cách đầy đủ.

- Tháng 1-2019, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh lại cam kết về tiến trình phi hạt nhân hóa và ý định tập trung các nguồn lực của mình vào việc hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên.

- Tháng 1-2019, ông Kim Yong Chol đến Washington D.C. trong 2 ngày, họp với Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Pompeo.

- Đầu tháng 2-2019, đoàn công tác do một quan chức cấp cao Mỹ dẫn đầu tới Bình Nhưỡng trong 3 ngày, trong đó có các chuyên gia về tên lửa, hạt nhân, luật quốc tế và một số thành viên đội ngũ đàm phán của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Khánh An

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn