Giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế: Mọi sự chần chừ là vô trách nhiệm với người bệnh!

Thứ sáu, 08/07/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Bệnh của bà con không thể chờ chúng ta được, phải giải quyết cấp bách việc thiếu thuốc và vật tư y tế trong khi chờ đợi nhóm giải pháp lâu dài”.

Chỉ đạo nói trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng là quan điểm nhìn nhận của rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đông đảo người dân, đặc biệt là những người bệnh đang mỏi mòi chờ đợi.

Tiếp tục tiếp diễn, hệ thống y tế sẽ tê liệt, người bệnh… “lãnh đủ”

“Thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị y tế” tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập thực ra không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, phải đến thời gian gần đây, thực trạng này diễn tiến ngày càng trầm trọng, kéo dài suốt nhiều tháng qua. Không chỉ ở các bệnh viện tuyến dưới, mà ở cả các bệnh viện tuyến Trung ương, hầu hết đều bế tắc trong việc tìm nguồn thuốc và vật tư y tế.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, ngành Y đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế…

Dù vậy, đến thời điểm này, nhiều cơ sở y tế trên cả nước vẫn còn loay hoay, bất lực trong tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Đối tượng gánh chịu hậu quả đương nhiên không ai khác chính là người bệnh. Chuyện những bệnh nhân ung thư phải chờ đợi cả tháng để truyền hóa chất, chẩn đoán bệnh và có những bệnh nhân quyết định về quê vì không biết đến bao giờ mới có thuốc đã là chuyện không gì mới mẻ tại nhiều bệnh viện trong nhiều tháng qua. Tính mạng của họ sẽ ra sao khi họ không thể có đủ điều kiện kinh tế để có thể tự đi mua hóa chất về truyền, tự đi mua biệt dược với giá cao “cắt cổ” bên ngoài, tự đi xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh mãi là điều không ai có thể có câu trả lời chắc chắn.

giai bai toan thieu thuoc vat tu y te moi su chan chu la vo trach nhiem voi nguoi benh hinh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều 30/6. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đáng lo ngại hơn nữa, theo nhìn nhận của các chuyên gia, nếu cứ để tình trạng này tái diễn và trầm trọng hơn, hệ thống y tế sẽ tê liệt và hệ lụy người bệnh phải gánh chịu sẽ còn nặng nề, đau đớn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn vào thực trạng, như đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đã chỉ rõ: “Nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm và thể chế pháp luật không rõ ràng”, thì câu chuyện “Thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị y tế” sẽ chẳng biết đến bao giờ mới được giải quyết rốt ráo.

Vướng ở đâu?

Trước khó khăn và vướng mắc trong mua sắm thuốc và vật tư y tế, ngày 2/7 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TTP.HCM) đã gửi Bộ Y tế 6 kiến nghị, trong đó, bệnh viện tuyến đầu này nhấn mạnh tới quy định rõ thứ tự ưu tiên trong sử dụng thông tin về giá xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu vật tư y tế tiêu hao, hóa chất. Trong đó, cần ưu tiên căn cứ giá trúng thầu đăng tải công khai gần nhất trên các trang congkhaiketquathau.moh.gov.vn; muasamcong.mpi.gov.vn.

Ngoài ra, tương tự như thuốc, bệnh viện đề nghị cần quy định rõ phương án xử lý cho trường hợp chủng loại vật tư y tế không có kết quả trúng thầu đăng công khai trong vòng 12 tháng, không thu thập đủ được 3 báo giá bằng việc lấy giá thấp nhất trong số các báo giá để làm giá kế hoạch, thời hiệu lấy theo thực tế ghi trên báo giá, tối thiểu không dưới 30 ngày kể từ ngày phát hành báo giá.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng kiến nghị bổ sung thêm nội dung hoặc hướng dẫn cụ thể đấu thầu mua sắm hóa chất tương thích với hệ thống máy. Mục tiêu để các bệnh viện có cơ sở triển khai đấu thầu mua sắm hoặc giao cho Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia hoặc địa phương đấu thầu, kết quả giao về cho bệnh viện thực hiện.

Đề nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy không nằm ngoài những băn khoăn, trăn trở được lãnh đạo một số địa phương cơ sở y tế chia sẻ trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh ngày 20/6 vừa qua.

Theo họ, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động; phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc. Một số khó khăn do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

giai bai toan thieu thuoc vat tu y te moi su chan chu la vo trach nhiem voi nguoi benh hinh 2

Bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ thuốc điều trị. Ảnh: Nhận Thịnh

Cấp bách hoàn thiện quy định pháp lý để khắc phục thiếu thuốc

Khi đề cập đến nguyên dân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thẳng thắn chỉ rõ: “Thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Cùng góc nhìn, TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng, vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy… Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

“Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, cần ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan về giá như Luật Đấu thầu, mua sắm; Luật tài sản công để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc mua sắm thuốc.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách, quy định liên quan mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trong diễn biến mới nhất, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/7, về giải pháp cho tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, giải pháp ngắn hạn thứ nhất là Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Thứ hai là đẩy nhanh cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục cấp quốc gia vào danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương. Thứ tư là sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

“Về biện pháp dài hạn, hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Trang thiết bị y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Nếu tận mắt chứng kiến cảnh những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nan y phải gánh chịu hệ lụy nặng nề như thế nào mới thấy mọi sự lúng túng, chần chừ, thiếu quyết liệt trong việc giải bài toán thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế bấy lâu là sự vô trách nhiệm, nói nặng hơn là sự tắc trách, coi thường tính mạng người bệnh. Thế nên, thay vì đổ lỗi cho “quy trình”, hãy cấp bách bắt tay vào hành động, không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn cần bằng cả trái tim.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

(CLO) Hôm nay, vùng đất Điện Biên, Tây Bắc chiến trường năm xưa, rực rỡ cờ hoa, hân hoan trong không khí tưng bừng của đại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, trên khắp dải đất hình chữ S, tinh thần Điện Biên Phủ đã thấm đẫm, lan toả trong mỗi người dân Việt. Nhắc nhớ lại bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ, là để mỗi người trong chúng ta, thêm trân quý hơn giá trị vô giá của hoà bình.

Góc nhìn
Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

(CLO) Lịch sử dân tộc đã chứng minh: Muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc. Và chiến dịch Điện Biên Phủ chính là biểu hiện sinh động cho sự vận dụng tài tình đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góc nhìn
Kỳ cuối: Quyết định lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Kỳ cuối: Quyết định lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

(NB&CL) Trong rất nhiều những nhân tố mang tính quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm về trước, không thể không kể đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tài năng quân sự kiệt xuất, đặc biệt là bản lĩnh hiếm có của vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Góc nhìn
Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn