Giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Giải pháp nào mới là căn cơ nhất?

Thứ sáu, 15/12/2023 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Để có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, cần sự nỗ lực, chung tay phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Việc ứng dụng CĐS là cơ hội lớn, nếu thực hiện sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khoẻ con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm có tới 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu vì loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người. Theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, cần sự nỗ lực, chung tay phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Đây là cơ hội vàng, biến cơ hội thành việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường.

Từ bức tranh màu xám của môi trường Hà Nội

Hà Nội đang ở những ngày giữa mùa Đông. Tuy nhiên, thời tiết không những không lạnh, người Hà Nội còn phải sống trong cảnh mờ mịt sương mù và bụi mịn của những ngày ô nhiễm không khí cấp báo động. Hơn một tuần trở lại đây, ngay từ sáng sớm, Hà Nội đã “chìm” trong bầu không khí mịt mù của sương và khói bụi. Điều này rõ nhất đối với những người sống ở các tòa nhà chung cư cao tầng. Từ trên cao, người dân có thể nhìn thấy một màn sương mù bao trùm khắp các khu vực xung quanh tòa nhà. Tình trạng bụi mù kéo dài phủ khắp thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, nhất là các khu vực như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm...

Theo ứng dụng IQAir, mức ô nhiễm không khí được đánh giá không tốt cho các nhóm nhạy cảm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội trong tuần qua luôn ở mức có hại (đỏ) và mức rất có hại (tím). Tác nhân gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, loại bụi có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi cũng như đi trực tiếp vào máu, tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 10.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn quốc gia (ngưỡng an toàn đối với bụi mịn PM2.5 theo Quy chuẩn Việt Nam là dưới 50µg/m³).

giam thieu o nhiem khong khi tai viet nam giai phap nao moi la can co nhat hinh 1

Do ô nhiễm không khí, bầu trời TP. Hà Nội ngày 8/12 mờ mịt như có sương mù dù đã gần trưa. Ảnh: Bảo Khang

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 - 200 đơn vị. Đặc biệt, trong ngày 10/12, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual xếp Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới ô nhiễm không khí với chỉ số AQI vượt ngưỡng 200. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến không khí xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5…

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu. Kết quả từ năm 2015 cho thấy, 40% dân số Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

Đến nay, con số này không giảm bởi gần 8 năm trôi qua vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông chưa được giải quyết. Tuy nhiên, lượng bụi mịn do giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn ở Hà Nội. Các số liệu đo đạc cho thấy nguyên nhân ô nhiễm không khí còn nằm ở yếu tố bên ngoài; 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn, các làng nghề. Các làng nghề nằm ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh vẫn ngày ngày thổi khói bụi về phía Hà Nội. Các loại khói thải này được sinh ra từ việc đốt than, củi tại các nồi hơi và lò nung. Vào những ngày có gió, bụi mịn không chỉ được vận chuyển vào Hà Nội nhanh mà còn đậm đặc hơn rất nhiều.

Tại các cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô, Ban Đô thị - HĐND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; làm rõ vấn đề xử lý ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch; cơ sở pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khí thải, ô nhiễm không khí; làm rõ chất lượng nhân lực tham gia vào công tác quản lý môi trường; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô…

Mặc dù đã có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, song, với sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa, Hà Nội rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội, người dân và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Thủ đô, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” - Net Zero vào năm 2050” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Giải pháp nào để kiểm soát được ô nhiễm không khí

Nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gates tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 người chết do ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong một nghiên cứu độc lập, đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45% - 5,64% GDP năm 2018. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

giam thieu o nhiem khong khi tai viet nam giai phap nao moi la can co nhat hinh 2

Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được ban hành, trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.

Hiện nay trên cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.

Để có căn cứ thực hiện đồng bộ hơn nữa việc cải thiện không khí trên cả nước và địa phương, theo Kế hoạch ban hành, Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường.

Nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do công nghiệp, giao thông, dân sinh,…Để kiểm soát tốt hơn ô nhiễm không khí từ công nghiệp Bộ TN&MT đã rà soát sửa đổi kỹ thuật quốc gia về chất lượng công nghiệp để các đơn vị lấy đó là thước đo. Để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động cụ thể là các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang tiến hành rà soát thực tế để từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới” - ông Lê Hoài Nam cho hay.

Về quản lý chất lượng không khí, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí.

Trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện quy hoạch quan trắc quốc gia. Hiện mạng lưới quan trắc quốc gia đang được thực hiện theo hướng bổ sung tăng các trạm quan trắc, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, vùng quan trọng trên cả nước.

Về việc giảm thiểu phát thải khí thải, Bộ TN&MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải. Hiện có 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ. Từ đó, Bộ TN&MT nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.

Về vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên tịch liên vùng đã được nêu rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là việc quan trọng và phù hợp. Luật đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên có những ô nhiễm liên vùng liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia. Đây cũng là nội dung chúng tôi quan tâm và đã trình đề án để Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, công tác quản lý chất lượng không khí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam là nước đang phát triển, mục tiêu hiện tại vẫn là trở thành đất nước công nghiệp. Từ thực tế đó, rõ ràng là các nguồn phát thải nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng theo đà tăng lên. Từ đó, công tác quản lý chất lượng không khí cũng khó khăn theo. 

Ngoài quản lý, kiểm soát chất lượng không khí, cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nam, điều này đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ và nhân lực rất lớn. Do điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nước ta đang tiếp nhận các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. Các ngành sử dụng năng lượng hoá thạch là chủ yếu, dẫn đến phát thải tăng.

“Nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở Trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương nữa. Với những khó khăn, thách thức đã được nêu ra từ các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đã có Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia. Tuy nhiên, từng đó thôi chưa đủ, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn” - ông Lê Hoài Nam thẳng thắn chỉ ra.

Cùng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng mỗi địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện, chúng ta sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Từ đây, sự tham gia vào cuộc của đơn vị, cộng đồng cũng mở rộng. Đây là cơ hội vàng, biến cơ hội thành việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường”.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn