Tại sao Thủ tướng Modi bãi bỏ luật nông nghiệp mới của Ấn Độ?

Thứ bảy, 20/11/2021 20:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc biểu tình kéo dài suốt một năm qua của nông dân Ấn Độ rút cuộc đã buộc Thủ tướng Narendra Modi buộc phải xuống nước, khi tuyên bố bãi bỏ các điều luật mới về cách thức sản xuất và bán hàng hóa nông nghiệp tại quốc gia với gần 1,4 tỷ người này.

Gốc rễ của vấn đề là gì?

Dự luật mới sẽ mở ra một hệ thống chợ đầu mối từng do nhà nước quản lý cho các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm. Song những người nông dân và các chính trị gia đối lập cho rằng dự luật này sẽ khiến những nông dân dễ bị bóc lột.

tai sao thu tuong modi bai bo luat nong nghiep moi cua an do hinh 1

Nông dân ăn mừng trước quyết định bất ngờ của thủ tướng Narendra Modi - Ảnh: Getty

Ở một đất nước mà hơn một nửa người dân sống dựa vào nông nghiệp như Ấn Độ, những cuộc biểu tình liên miên của người nông dân trong suốt một năm qua rõ ràng khiến Thủ tướng Modi không thể phớt lờ, dù có cứng rắn đến đâu.

Nông nghiệp Ấn Độ vẫn còn tương đối hoang sơ so với các lĩnh vực khác; tăng trưởng của ngành này liên tục tụt hậu so với nền kinh tế nói chung. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người nghèo ở nông thôn Ấn Độ là khoảng 25% so với 14% ở khu vực thành thị.

Nhiều nông dân vẫn dựa vào những công cụ thô sơ và sở hữu những thửa ruộng nhỏ ít có giá trị về kinh tế. Các chợ đầu mối mà họ bán sản phẩm cũng thường không được tổ chức tốt, thường xuyên rơi vào tình trạng rối loạn. Thậm chí, trong một số trường hợp, khi các chường trình thu mua của chính phủ bị đình trệ, người nông dân Ấn Độ buộc phải tìm đến các đầu mối tư nhân, qua đó dễ bị ép giá.

Để rồi, vào năm 2020, quốc hội Ấn Độ đã thông qua dự luật mà chính phủ cho biết sẽ thúc đẩy sản lượng và thu nhập của trang trại bằng cách loại bỏ nhiều hạn chế về việc thu mua.

Nông dân và người mua sẽ được tự do giao dịch bên ngoài các thị trường thực tế được chỉ định ở mỗi bang - tại các cổng trang trại, nhà kho tư nhân, nhà máy chế biến hoặc thậm chí trên các nền tảng điện tử mới.

Chính phủ cho biết khi đó nông dân có thể đầu tư vào công nghệ hiện đại và hạt giống tốt hơn, nếu họ có thu nhập đảm bảo hoặc có thể nhận trước từ các nhà buôn. Lưu ý, Ấn Độ là nước trồng bông lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về lúa mì, đường và cả gạo.

tai sao thu tuong modi bai bo luat nong nghiep moi cua an do hinh 2

Những người nông dân biểu tình tại thủ đô New Delhi trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ vào 26/1/2021 - Ảnh: Reuters

Tại sao nông dân phản đối luật mới?

Như vậy, kế hoạch cải cách của chính phủ Ấn Độ có vẻ hợp lý và mang lại lợi ích cho người nông dân, giúp họ tháo gỡ những khúc mắc trước đây. Vậy tại sao nông dân nước này lại phản đối dữ dội đến vậy?

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia vào ngày 19/11, Modi nói rằng ông đã đã bất lực trong việc truyền tải thông điệp “tốt đẹp” đó đến với người dân: “Mục tiêu của 3 luật nông nghiệp mới là tăng cường sức mạnh cho nông dân, đặc biệt là các hộ nông dân nhỏ, để họ có được mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình và có nhiều lựa chọn để bán sản phẩm”.

“Đó là một điều thiêng liêng, hoàn toàn trong sáng, là vấn đề nông dân quan tâm. Nhưng chúng tôi không thể giải thích cho một số nông dân hiểu được điều đó, dù đã rất cố gắng”.

Sau phát biểu đó, ông chính thức tuyên bố dự luật mới về nông nghiệp nói trên sẽ nhanh chóng được bãi bỏ.

Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Modi cam kết dự luật sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân, song họ lại không nghĩ khác. Nhiều người lo về việc sẽ bị chèn ép bởi các doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản. Điều đó có thể dẫn đến những biến động dữ dội ở một quốc gia vốn có thời tiết khắc nghiệt.

Nông dân còn cho biết luật mới có thể khiến họ phải trả nhiều chi phí hơn, chịu nhiều ràng buộc và có thể phải vay mượn để đáp ứng các tiêu chí mới trong sản xuất, qua đó có thể nợ nần chồng chất, làm tăng thêm tỷ lệ tự tử vốn đã rất cao trong ngành nông nghiệp nước này.

tai sao thu tuong modi bai bo luat nong nghiep moi cua an do hinh 3

Nông dân Ấn Độ tập trung trước Pháo đài Đỏ lịch sử trong cuộc biểu tình chống lại luật nông nghiệp của chính phủ vào ngày 26/1/2021 - Ảnh: AP/Reuters

Biểu tình sẽ sớm kết thúc?

Sau khi dự luật được thông qua hồi năm ngoái, hàng chục nghìn nông dân đã dựng trại bên ngoài thủ đô, chặn một con đường lớn. Những người biểu tình kêu gọi một cuộc họp đặc biệt của quốc hội để bãi bỏ điều luật và bắt buộc các công ty tư nhân thu mua nông sản phải trả một mức giá tối thiểu.

Đã có 8 người, gồm 4 người biểu tình, từng thiệt mạng ở bang Uttar Pradesh vào hồi tháng 10/2021 mới đây. Các nhóm nông dân cáo buộc người thiệt mạng bị một đoàn xe ô tô của một bộ trưởng liên bang chèn qua người, sau khi bị nhóm biểu tình đang giận dữ, nổ súng và tấn công.

Nhiệm kỳ của chính phủ Modi vẫn kéo dài đến năm 2024. Nhưng nếu cuộc biểu tình kéo dài có thể làm xói mòn hình ảnh mà ông cố gắng vun đắp như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán.

Nông dân tất nhiên chiếm lượng cử tri tại Ấn Độ và có ảnh hưởng ở các bang miền bắc Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của đất nước và Punjab, nơi các cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào đầu năm 2022. Bởi vậy, cuộc biểu tình có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội giành chiến thắng của đảng Bharatiya Janata của ông Modi.

Một số người đại diện cho nông dân nói rằng dù chính phủ đã bãi bỏ dự luật mới, song các cuộc biểu tình vẫn có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Rakesh Tikait, một nhà lãnh đạo nông dân nổi tiếng và là phát ngôn viên của Liên minh Bhartiya Kisan, lưu ý rằng hàng trăm nông dân đã mất mạng và họ sẽ không kết thúc một cách đơn giản như vậy. 

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế