Tràn lan hội nhóm quái đản trên Facebook: Mạnh tay quét sạch!

Thứ sáu, 10/11/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích, giúp con người có thể giao tiếp, kết nối với nhau nhiều hơn. Nhưng lại có thể gây ra rất nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người dùng, thực sự là thứ độc dược cực kỳ nguy hiểm.

Sự kiện: mạng xã hội

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/11, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết từ phản ánh của báo chí, cơ quan này đã ngăn chặn 8 hội nhóm “hướng dẫn tự tử” và 43 hội nhóm “hướng dẫn bùng nợ” trên mạng xã hội Facebook. Sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu ngăn chặn, chỉ sau 1 ngày, Facebook đã chặn, gỡ những hội nhóm này. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu thêm, trên mạng xã hội vẫn còn rất nhiều hội nhóm quái đản tương tự, thu hút đông người tham gia. Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích, giúp con người có thể giao tiếp, kết nối với nhau nhiều hơn. Nhưng lại có thể gây ra rất nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người dùng, thực sự là thứ độc dược cực kỳ nguy hiểm.

Tràn lan hội nhóm “đen”

Quả thực, trên các nền tảng mạng xã hội, từ facebook, zalo, whatsapp cho tới telegram đã và đang xuất hiện tràn lan nhiều nhóm kết nối có tính bạo lực, tiêu cực với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.

Tên những hội nhóm này cũng thường được đặt theo chiều hướng phản cảm, bạo lực, trái đạo đức, song cũng đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng mạng xã hội với những cái tên khiến dư luận không khỏi “giật mình” như: “Hội những người thích đâm thuê chém mướn”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội bùng app vay tiền online”, “Hội những người muốn tự tử”, “Nhóm đòi nợ thuê”, “Hội những người đi tù”... hoặc “Hội ngoại tình và vụng trộm”, “Hội chán sống”, “Hội ghét cha mẹ”…

Đấy là chưa kể tới các hội nhóm của những thanh niên mới lớn tham gia đua xe, “thông chốt”, thách thức lực lượng chức năng. Nguy hiểm hơn, đó là những hội nhóm qui tụ các thành phần phản động, chống phá nhà nước, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

tran lan hoi nhom quai dan tren facebook manh tay quet sach hinh 1

Các hội nhóm trên thường phát tán trong “nội bộ” những nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, kích động bạo lực, cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội hoặc những hoạt động chống phá. Những người tham gia các hội nhóm kín có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội đa phần thường có cùng chung tâm lý hành vi, bộc lộ những sở thích khác thường, hoặc là những người đang có những bế tắc trong cuộc sống, chán nản, tuyệt vọng, sẵn sàng thực hiện những hành vi liều lĩnh có thể gây ra những hệ lụy không lường và do là những nhóm kín nên nhiều thành viên không ngần ngại kể về các hành vi sai trái của mình, cũng như kêu gọi và khuyến khích người khác cùng tham gia.

Và điều đáng nói hơn là dưới những bài đăng là những dòng chia sẻ, bình luận mang tính cổ súy, khuyến khích hoặc kích bác để người viết bài cụ thể hóa hành vi lệch chuẩn hoặc vi phạm pháp luật. Rõ ràng sự tồn tại của các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an thường xuyên đưa ra những cảnh báo về trào lưu lập nhóm kín trên mạng xã hội để rủ nhau thực hiện hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Nhiều đối tượng quản lý các hội nhóm kín trên mạng xã hội cũng đã bị xử lý theo đúng qui định của pháp luật.

Cho dù việc thành lập hội nhóm trên mạng xã hội không bị pháp luật nghiêm cấm song pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Người nào cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc… có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ không phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa mà còn không phù hợp các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng 2018.

Mặc dù vậy, đến nay nhiều hội nhóm có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội vẫn duy trì hoạt động, các thành viên vẫn thường xuyên cập nhật và chia sẻ trạng thái có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật. Dù chỉ là những hội nhóm ảo nhưng hệ lụy lại là thực và nếu người tham gia không tỉnh táo nhận diện được thì đây sẽ là con dao hai lưỡi gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Lên mạng rủ nhau… gây án

Trên thực tế, không chỉ dừng lại ở không gian mạng, đã có những hành vi phạm tội ngoài đời thực đến từ những cuộc giao lưu, gặp gỡ ảo này. Chỉ riêng từ hội nhóm Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, cơ quan chức năng đã ghi nhận được 2 vụ cướp có tổ chức tính từ đầu năm 2022. Vụ đầu tiên là cướp nhà dân tại Linh Đàm (1/2022) và vụ cướp ngân hàng VietinBank (3/2022).

Mới đây, khi phá vụ án cướp ngân hàng tại phòng giao dịch Ngân hàng Sacombank ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng phát hiện ra rằng cả 3 đối tượng liên quan đều không hề biết tên tuổi, thân nhân của nhau ngoài đời thực mà chỉ kết bạn thông qua việc tham gia một hội nhóm kín trên mạng xã hội và sau đó bàn bạc, lên kế hoạch thực hiện vụ cướp.

tran lan hoi nhom quai dan tren facebook manh tay quet sach hinh 2

Một vụ việc tương tự xảy ra hồi năm 2022 khi Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ liên quan đã vây bắt thành công hai đối tượng sử dụng vũ khí giống súng cướp ngân hàng ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Cơ quan điều tra xác định, đây là những đối tượng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên facebook và cùng lên kế hoạch cướp tài sản để trả nợ và lấy tiền tiêu. Đây chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng ngoài đời thật xuất phát từ việc tham gia các hội nhóm ảo trên mạng xã hội.

Một trong những nhóm tội phạm vừa bị lực lượng Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, bắt giữ về hành vi đột nhập lấy đi nhiều tài sản có giá trị tại siêu thị trên địa bàn thành phố, trong đó thủ đoạn của các đối tượng là tham gia nhóm “những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội để lôi kéo một số đối tượng đi trộm cắp. Sau khi tham gia nhóm, các đối tượng bàn bạc phương thức thủ đoạn và địa điểm gây án.

Đây không phải lần đầu tiên các thành viên hội nhóm này gây án và bị bắt. Trước đó, từ hội nhóm này, các thành viên đã rủ nhau đi cướp tài sản, trộm xe, thậm chí đi cướp ngân hàng. Điển hình, vụ cướp ngân hàng phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; vụ cướp tài sản ở căn hộ chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Theo Công an thành phố Hà Nội, hầu hết những ổ nhóm cướp giật được hình thành thông qua nhóm này đều là những người không có nghề nghiệp ổn định, nợ nần, không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định “làm liều”.

Tên gọi của các nhóm tội phạm tuy có khác nhau, số lượng thành viên nhóm có khác nhau, song đều có đặc điểm chung là bất mãn và kích động... Vỡ nợ, túng quẫn vốn làm người ta ở trạng thái tâm lý bất thường. Và khi những người này tập hợp vào một nhóm, chia sẻ với nhau các bức xúc, và cùng bàn bạc các giải pháp, đó là hiểm họa với trật tự trị an ninh, an toàn xã hội.

Cần chế tài đủ mạnh để xóa bỏ hội nhóm “đen”

Theo các chuyên gia, việc lợi dụng mạng xã hội để thành lập hội nhóm thực hiện hành vi phạm pháp trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân tham gia mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm. Do đó, vấn đề đặt ra, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục theo dõi, nắm tình hình trên không gian mạng.

Khi phát hiện các nhóm, diễn đàn như trên cần tiến hành các biện pháp để xác minh, can thiệp, đồng thời đánh sập ngay các tài khoản này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao các nhóm trên để kịp thời phát hiện những âm mưu, thủ đoạn phạm tội của kẻ xấu, từ đó ngăn chặn sớm và kịp thời trước khi hậu quả xảy ra

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc thành lập các nhóm, hội trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng, chỉ cần một tài khoản trên mạng xã hội như Facebook có thể thành lập diễn đàn mời bạn bè tham gia.

Mặc dù pháp luật hiện hành không nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thành lập các hội, nhóm trên mạng, nhưng những hội nhóm này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi lợi dụng không gian mạng vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật, chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại, góp phần xây dựng và bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (đạt tỉ lệ 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube (92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (95%).

tran lan hoi nhom quai dan tren facebook manh tay quet sach hinh 3

Ông Lê Quang Tự Do cho biết Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang tiếp tục thu thập thông tin để xử lý tiếp những hội nhóm “hướng dẫn tự tử”, “hướng dẫn bùng nợ”... Nếu phát hiện thông tin về những nhóm tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm trên mạng xã hội, người dùng và cơ quan báo chí có thể thông tin đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn