Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của ông Biden sẽ thế nào?

Thứ ba, 10/11/2020 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc bầu cử Mỹ có thể vài tuần nữa mới có kết quả cuối cùng và dù Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ gặp nhiều cản trở bởi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp nối chứ không thay đổi, dẫu có chuyển biến về giọng điệu.

Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, nhưng chính sách của Mỹ về châu Á Thái Bình Dương có thể sẽ không thay đổi nhiều - Ảnh: Nikkei

Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, nhưng chính sách của Mỹ về châu Á Thái Bình Dương có thể sẽ không thay đổi nhiều - Ảnh: Nikkei

Bài liên quan

Tổng thống Joe Biden sẽ không xóa bỏ mọi thứ trong bốn năm qua, và cũng sẽ không thể thủ tiêu được chủ nghĩa dân túy đã ăn sâu ở Mỹ, nhưng ông sẽ làm nhiều điều để ngăn chặn sự chia rẽ. Mong muốn khắc phục các vấn đề của ông Biden sẽ bị hạn chế bởi việc Đảng Dân chủ không kiểm soát được Thượng viện.

Một chiến thắng dành cho Donald Trump có thể sẽ dẫn đến căng thẳng hơn nữa trong lòng nước, và làm rạn nứt cả với các đồng minh của Mỹ. Có tin đồn từ Washington rằng, Tổng thống Trump có thể đang cân nhắc rút Mỹ khỏi NATO, giảm quân ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, ông Joe Biden, với một nhóm các chuyên gia châu Á kỳ cựu dự kiến trong chính quyền của mình, sẽ duy trì và tìm cách tăng cường các liên minh, bao gồm cả với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Điều đó sẽ tốt cho sự răn đe.

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ thúc đẩy các giá trị của Mỹ, đề cao một liên minh các nền dân chủ tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các nền dân chủ vào năm 2021, như một điểm tựa để chống lại các xu hướng độc tài và định hình lại trật tự thế giới đang rạn nứt. Nhưng một số nước châu Á cũng có thể coi đó là một áp lực, buộc họ phải lựa chọn chống lại Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Trung

Về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, có sự đồng thuận lưỡng đảng rằng Trung Quốc là một ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’. Điều đó sẽ không thay đổi dưới thời Joe Biden, nhưng có những khác biệt quan trọng về ý nghĩa chính xác của khái niệm đó.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã không xác định các khái niệm, phạm vi và giới hạn mức độ cạnh tranh. Thay vào đó, ông Trump đã hình tượng hóa Trung Quốc thành một quốc gia xấu xí, theo đuổi sự tách rời kinh tế và tuyên truyền chống lại Trung Quốc trong các bài phát biểu của các quan chức hàng đầu Mỹ. Người ta có thể có lý do để kết luận, như cách suy nghĩ của Bắc Kinh rằng mục đích ở đây là tìm cách thay đổi chế độ Trung Quốc.

Ngược lại, ông Biden có thể sẽ tìm cách ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của quan hệ Mỹ-Trung, với hy vọng xây dựng một khuôn khổ cho sự chung sống nhưng cạnh tranh lẫn nhau. Hai cố vấn hàng đầu của ông Biden, Kurt Campbell và Jake Sullivan, đã viết trên tờ Foreign Affairs rằng, “mục tiêu phải là thiết lập các điều khoản chung sống thuận lợi với Bắc Kinh trong bốn lĩnh vực cạnh tranh chính quân sự, kinh tế, chính trị và quản trị toàn cầu”.

Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Joe Biden gặp nhau ngày 24 tháng 9 năm 2015, khi đó ông Biden đang là Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh: AP

Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Joe Biden gặp nhau ngày 24 tháng 9 năm 2015, khi đó ông Biden đang là Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh: AP

Điều này sẽ đòi hỏi một chính sách ngoại giao bền vững và linh hoạt, sự ủng hộ ở trong nước và kiềm chế các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Joe Biden gần như chắc chắn sẽ từ bỏ cách tiếp cận đối đầu song phương duy nhất Mỹ-Trung, mà xây dựng các liên minh đa phương dựa trên những mối quan ngại chung. Bắc Kinh tìm kiếm sự ổn định và có khả năng sẽ cung cấp một cơ hội để kiểm tra khả năng của Joe Biden trong việc thiết lập lại quan hệ Mỹ – Trung.

Về các vấn đề kinh tế và công nghệ Mỹ-Trung, có thể sẽ có một cách tiếp cận thận trọng hơn dưới thời ông Biden. Các thành viên đảng Dân chủ cũng nghi ngờ về tự do thương mại không kém so với phía Cộng hòa, nhưng chính quyền ông Biden có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Australia để thúc ép Trung Quốc giải quyết các lo ngại thương mại chung của họ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, tổ chức mà ông Biden sẽ nỗ lực cải cách.

Những lo ngại đó bao gồm các vấn đề trợ cấp của nhà nước, ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn cho công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và 5G.

Cũng sẽ có một sự hội nhập kinh tế được đo lường và có chọn lọc hơn so với sự tách rời kinh tế nửa vời. Về công nghệ, Mỹ đã âm thầm tạo ra một cách tiếp cận lưỡng đảng hướng tới chính sách công nghiệp để cạnh tranh tốt hơn trong ngành bán dẫn, 5G và các công nghệ mới nổi khác mà mà ông Biden cảm thấy hài lòng. Bắc Kinh đã mở cửa có chọn lọc các thị trường, chủ yếu là trong ngành tài chính và ô tô, và ông Biden có thể tìm cách gia hạn các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương.

Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên

Vấn đề an ninh trước mắt có thể là việc chính quyền Biden sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên như thế nào. Ông kế thừa hơn 25 năm ngoại giao thất bại của Mỹ, và thực tế rằng Bình Nhưỡng đã là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thực tế. Nếu quá khứ là chỉ dấu cho tương lai, ông Biden sẽ được chào đón bằng sự khiêu khích, có thể là một vụ thử tên lửa SLBM hoặc ICBM, dẫn tới một không khí giống như khủng hoảng. Joe Biden nói rằng ông sẵn sàng tham dự một hội nghị thượng đỉnh nếu các kênh ngoại giao tạo điều kiện cho một giải pháp.

Câu hỏi đặt ra cho chính quyền mới là liệu có nên theo đuổi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hay không. Việc đặt ra giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân và đóng băng số lượng đó, có lẽ đi kèm với việc ngừng phát triển các tên lửa, là một lựa chọn rất đáng để khám phá. Tuy nhiên, các thỏa thuận trước đây đều đổ vỡ do tính minh bạch.

Điều kiện tiên quyết cho bất kỳ lựa chọn đóng băng hạt nhân nào sẽ là một tuyên bố đầy đủ và đáng tin cậy về kho hạt nhân của Triều Tiên, cũng như sự xác minh và giám sát đầy đủ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Cả hai điều này đều rất khó xảy ra.

joebiden13

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Quan hệ Mỹ-Trung ít biến động hơn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Trong khi dấu chân của quân đội Mỹ mở rộng dưới thời ông Trump, hiện thực hóa hiệu quả của chiến lược xoay trục mà cựu Tổng thống Obama hứa hẹn, thì điều đó sẽ khó có thể bị thay đổi dưới thời ông Biden. Việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực cũng như mở rộng mạng lưới hợp tác an ninh không chính thức, bao gồm cả Bộ tứ, có thể sẽ xảy ra.

Tổng thống đắc cử Biden có thể sẽ ít phiến diện hơn về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chú trọng nhiều hơn vào ngoại giao khu vực để giải quyết các vấn đề an ninh và quan hệ kinh tế. Nếu không có nền tảng kinh tế vững chắc, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể trở nên trống rỗng và không bền vững.

Với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được mở rộng dưới sự lãnh đạo của Tokyo và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang dần trở thành hiện thực (Mỹ đều không tham gia cả hai hiệp định này), câu hỏi ở đây là liệu Biden có tái gia nhập TPP không.

Ông Biden đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tái gia nhập, với điều kiện các bên còn lại phải sẵn sàng sửa đổi hiệp định để giải quyết các mối quan tâm của Mỹ. Điều này có thể phụ thuộc vào vốn liếng chính trị mà Joe Biden có để giành được sự chấp thuận của Quốc hội.

Joe Biden đối mặt với quá nhiều vấn đề cần chú ý ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giữa đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên nhớ rằng chính quyền mới có nhiều vấn đề khiến họ bận tâm như thế nào. Ông Biden có kinh nghiệm lâu năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là Phó Tổng thống phụ trách chính sách đối ngoại, nhưng nó là sự hỗn hợp của hai yếu tố, tốt có mà dở cũng có.

Những gì châu Á có thể mong đợi từ chính quyền mới của Mỹ sẽ phụ thuộc vào các bài học kinh nghiệm được rút ra và việc tình hình chính trị ở trong nước Mỹ sẽ cho phép họ có thể hành động lý trí tới mức nào.

Phan Nguyên

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế